close
Rti Tiếng ViệtTải App RTI ngay
Mở
:::

CÔNG ƯỚC SẢN XUẤT VÀ PHÁT SÓNG TIN TỨC CỦA ĐÀI PHÁT THANH

THÔNG BÁO

CÔNG ƯỚC VỀ VIỆC SẢN XUẤT VÀ PHÁT SÓNG TIN TỨC

CỦA ĐÀI PHÁT THANH QUỐC TẾ ĐÀI LOAN

Trung Hoa Dân Quốc, ngày 10 tháng 4 năm 2023

Đài Phát thanh Quốc tế Đài Loan, Số 1120000177

Lời nói đầu

Căn cứ theo “Điều lệ thành lập Đài phát thanh Quốc tế Đài Loan”, Đài Phát thanh Quốc tế Đài Loan sẽ chịu trách nhiệm phát sóng các tin tức và thông tin của quốc gia. Để đạt được các nhiệm vụ theo quy định trong điều lệ nêu trên và đưa Đài Rti trở thành một kênh truyền thông đáng tin cậy, công bằng, khách quan và chuyên nghiệp cho thính giả trong và ngoài nước, căn cứ theo các quy định luật pháp có liên quan, tổng hợp ý kiến của các học giả và chuyên gia, đồng thời tham khảo các tiêu chuẩn về tính kỷ cương của các kênh truyền thông lớn trong và ngoài nước, từ đó thiết lập nên bản công ước về sản xuất và phát sóng tin tức để cán bộ, nhân viên của Đài tuân theo.

I. Nguyên tắc chung:

1. Bản tin không được có các trường hợp sau đây

1.1. Vi phạm các quy định pháp luật cưỡng chế hoặc nghiêm cấm.

1.2. Ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em và trẻ dưới 18 tuổi.

1.3. Ảnh hưởng xấu tới trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục.

1.4. Vi phạm nguyên tắc về tính chính xác và công bằng.

2. Tính chính xác:

2.1. Tin tức cần kiểm duyệt kỹ lưỡng trước khi đăng tải, chính xác quan trọng hơn tốc độ, không được đăng tải tin tức vô căn cứ, xuyên tạc sự thật.

2.2. Trước khi phỏng vấn và đưa tin, cần tìm hiểu kỹ sự kiện và tin tức, để nhanh chóng nắm bắt cốt lõi của vấn đề, đẩy nhanh tốc độ và độ chính xác trong việc xử lý tin tức.

2.3. Phải trích dẫn chính xác nguồn tin, nếu người được phỏng vấn yêu cầu giấu tên thì cần cân nhắc tình hình thực tế đồng thời trước đó phải tiến hành thảo luận nội bộ.

2.4. Khi phỏng vấn cần lưu lại biên bản và các tài liệu liên quan để thuận tiện cho việc kiểm tra lại thông tin sau này.

2.5. Đối tượng phỏng vấn nên đa dạng và phải mở rộng phạm vi, việc xác minh tin tức không nên chỉ dựa vào một nguồn thông tin duy nhất mà ít nhất là hai nguồn trở lên.

2.6. Tin tức nên thu thập và phát sóng ngay lập tức. Nếu trong trường hợp khẩn cấp và với các sự kiện lớn, nên đăng tải trước những bản tin ngắn đã chắc chắn về nội dung, đồng thời sau đó liên tục cập nhật nội dung mới theo diễn biến của sự việc.

3. Tính công bằng:

3.1. Các bản tin phải khách quan, ngoài việc nêu rõ sự thật ngay từ đầu, tùy theo diễn biến của sự việc, cố gắng không bỏ qua các vấn đề, ý kiến quan trọng và có liên quan.

3.2. Nội dung tin bài phải rõ ràng, khách quan, không chứa các tính từ mang tính chủ quan, hay ý kiến cá nhân của phóng viên, biên tập viên.

3.3. Trong trường hợp có tranh chấp, hãy cố gắng trình bày cả hai mặt của một vấn đề để thúc đẩy đối thoại hợp lý.

3.4. Cần có sự tách biệt rõ ràng giữa bình luận chuyên đề và thời sự cập nhật khi trình bày, phát sóng trên trang thông tin điện tử.

3.5. Trong các bản tin thời sự, không được phép mô tả các dân tộc hoặc nhóm cụ thể theo khuôn mẫu hoặc dùng các thuật ngữ định kiến, phân biệt đối xử. Những người không cùng chủng tộc, sắc tộc, quốc tịch, màu da, nơi sinh, tình trạng kinh tế xã hội, tôn giáo, giới tính, xu hướng tính dục, tình trạng hôn nhân, người khuyết tật và người yếu thế đều phải được tôn trọng như nhau.

4. Lợi ích công cộng:

4.1. Việc đưa tin cần dựa trên việc bảo vệ lợi ích công cộng, đồng thời tăng cường thảo luận về các vấn đề công cộng, cung cấp một diễn đàn mở để tất cả các bên có thể trao đổi ý kiến.

4.2. Các bản tin và bình luận phải độc lập, không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào, tuân thủ tính chuyên nghiệp, đặt lợi ích công cộng lên hàng đầu và đảm bảo độ tin cậy.

4.3. Nội dung tin tức phải chú trọng đến chất lượng và thị hiếu, không a dua, đưa tin giật gân.

5. Đạo đức nghề nghiệp:

5.1. Không lợi dụng chức vụ, quan hệ công việc để trục lợi, không đăng tin đồn thất thiệt, không sản xuất, phát sóng các bản tin vi phạm tính chuyên nghiệp của báo chí.

5.2. Không kiêm nhiệm các chức vụ hoặc công việc có mâu thuẫn với nhiệm vụ tại nơi đang công tác, nếu có xung đột về lợi ích thì nên chủ động báo cáo với cấp trên hoặc xin phép né tránh.

5.3. Không nắm giữ các chức vụ trong đảng chính trị hoặc công chức, và không tham gia hỗ trợ bầu cử hay các hoạt động khác liên quan đến bầu cử. Nếu tham gia thi tuyển công chức nhà nước, nên dừng ngay các công việc liên quan đến báo chí.

5.4. Không nhận bất kỳ loại chứng khoán nào có giá trị hoặc tiền mặt. Khi nhận quà cần cân nhắc xem có gây xung đột lợi ích hay ảnh hưởng đến hình ảnh của Đài Loan hay không, nên trả lại những món quà có giá trị thị trường trên 2.000 Đài tệ.

5.5. Không được phép chấp nhận các hoạt động do người được phỏng vấn trả tiền hoặc liên quan đến lợi ích cá nhân, chẳng hạn như hoạt động du lịch v.v. Nếu liên quan đến lợi ích chung hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt, phải báo cáo để cấp trên phê duyệt.

6. Cải chính thông tin và chấp nhận khiếu nại:

6.1. Các bản tin thời sự cần phải tránh sai sót, nếu phát hiện nội dung có sai sót cần thẳng thắn đối diện và thông báo ngay cho người kiểm duyệt nội dung và cấp trên. Cấp trên sẽ ghi nhận lại nội dung ban đầu và tiến hành chỉnh sửa ngay, đồng thời thông báo cho biên tập viên trang web của bộ phận, người cung cấp tin tức cho ban tiếng nước ngoài, và các nền tảng hợp tác bên ngoài để chỉnh sửa hoặc cập nhật.

6.2. Nếu không thể ngay lập tức xác minh hoặc xác nhận xem nội dung có sai hay không, vẫn nên thông báo cho cấp trên để quyết định xem có nên gỡ tin xuống hoặc có biện pháp thích hợp hơn không, và sẽ xử lý sau khi xác minh. Nếu vẫn còn nghi ngờ về việc liệu nội dung đang tranh chấp có nên được sửa đổi hoặc gỡ xuống hay không, hoặc vụ việc phức tạp, thì nên gửi đến “Hội nghị Tư vấn tính kỷ cương trong báo chí” để giải quyết nếu cần thiết.

6.3. Theo Điều 23 của “Luật Phát thanh truyền hình”: “Khi các bên liên quan cho rằng tin tức của đài phát thanh là không đúng và yêu cầu sửa đổi trong vòng 15 ngày kể từ ngày phát sóng, thì trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, đài phát thanh sẽ thực hiện chỉnh sửa trong chương trình gốc hoặc trong chương trình phát sóng cùng thời gian với chương trình gốc hoặc nếu đài phát thanh cho rằng không có sai sót trong việc đưa tin, thì sẽ trả lời bằng văn bản cho bên khiếu nại. Điều 24 quy định rằng “Khi bình luận có liên quan đến người khác hoặc tổ chức, đoàn thể, và gây tổn hại đến quyền lợi của họ, thì nếu người bị bình luận yêu cầu cho cơ hội được biện giải, thì không được từ chối”. Nếu các bên liên quan yêu cầu chỉnh sửa hoặc kháng cáo, sẽ căn cứ theo các quy định trên để xử lý càng sớm càng tốt, hoặc phối hợp bằng cách cung cấp thỏa đáng các dữ liệu đã đăng tải hoặc lịch phát sóng để tiến hành giải trình.

6.4. Nếu nội dung sai sót liên quan đến việc phỉ báng, tổn hại uy tín hoặc các vấn đề pháp lý khác, cần thông báo cho cấp trên và tham khảo tư vấn pháp lý trước khi xử lý.

6.5. Quá trình chỉnh sửa hoặc nội dung chỉnh sửa cần được ghi lại đầy đủ và lưu trong giao diện quản lý của trang web chính thức để thuận tiện cho việc làm rõ trách nhiệm sau này.

II. Điều khoản chi tiết

1. Tin tức dành cho thiếu nhi

1.1. Đối với các bài báo liên quan đến thiếu nhi và người chưa đủ 18 tuổi, cần tuân thủ các quy định về “Luật Bảo vệ phúc lợi và quyền lợi của trẻ em và người chưa đủ 18 tuổi”, “Điều lệ phòng chống bóc lột tình dục ở trẻ em và người chưa đủ 18 tuổi” và “Luật Xử lý các vi phạm của người chưa đủ 18 tuổi”.

1.2. Nếu liên quan đến vấn đề phạm tội, tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em và người chưa đủ 18 tuổi, các vụ án hình sự, thực thi quyền giám hộ của cha mẹ, lựa chọn người giám hộ và những vấn đề khác thì không được phép tiết lộ các thông tin như: họ tên, ngày sinh, nơi cư trú, tình trạng học tập hoặc những thông tin có khả năng nhận diện được thân phận của trẻ em và người chưa đủ 18 tuổi.

1.3. Khi phỏng vấn trẻ em và người chưa đủ 18 tuổi, trước tiên người đi phỏng vấn cần phải chứng minh bản thân là phóng viên và phải nhận được sự đồng ý từ người giám hộ của trẻ em và người chưa đủ 18 tuổi, và chỉ được tiến hành phỏng vấn khi không có sự ép buộc hoặc trái với ý muốn của các bên liên quan trong cuộc phỏng vấn.

2. Tin tức tư pháp và tội phạm

2.1. Dựa trên “Nguyên tắc suy đoán vô tội”, nên giả sử coi các nghi phạm là vô tội cho đến khi họ được tòa án phán quyết, và nên thận trọng đối với ngôn ngữ sử dụng trong các cuộc phỏng vấn và bản tin.

2.2. Không được phép bình luận về các vụ án đang xét xử hoặc đang tranh tụng, không được đưa tin về nội dung tranh luận, tranh tụng bị cấm công khai.

2.3. Các bản tin về tội phạm không nên mô tả quá mức về quá trình và phương pháp gây án của tội phạm.

2.4. Các bài báo không được anh hùng hóa tội phạm hoặc dán nhãn tội phạm hoặc khơi dậy sự phản kháng trong xã hội.

3. Tin tức thiên tai

3.1. Điều tra, cung cấp thông tin chính xác và nhanh chóng ngay khi có thảm họa và tai nạn xảy ra, cũng như cung cấp các biện pháp ứng phó và phương pháp phòng chống, đồng thời phát huy vai trò giám sát của truyền thông.

3.2. Khi đi vào khu vực thiên tai để phỏng vấn, nên chú ý không làm cản trở đến việc cứu hộ cứu nạn và cũng cần phải chú ý đến sự an toàn của bản thân.

3.3. Trong trường hợp xảy ra sự cố thương vong lớn, nên kiểm chứng thông tin từ các đơn vị chức năng về tình hình thương vong và tình hình cứu trợ, nên lấy tin từ các nguồn thông tin chính thức, tránh đưa tin một cách phỏng đoán.

3.4. Khi đưa tin về thiên tai, cần tôn trọng người trong cuộc cũng như nạn nhân và gia đình của họ, khi chụp ảnh hoặc mô tả bằng văn bản cần thận trọng và không được phóng đại sự việc.

4. Tin tức chính trị và bầu cử

4.1. Việc đưa tin tức về chính trị hoặc bầu cử cần phải trung lập, thận trọng kiểm tra, đồng thời cung cấp các nguồn tin chính xác, công bằng và khách quan dựa trên sự thật.

4.2. Trước khi thông tin về các đơn vị liên quan đến chính phủ hoặc các sự việc có liên quan đến những nhân vật quan trọng được công bố chính thức thì không được võ đoán quá mức, phải tiến hành kiểm tra và xác nhận hoặc sau khi chúng được công bố chính thức thì mới đưa tin.

4.3. Tin tức chính trị hoặc bầu cử nên thảo luận nhiều hơn về nội hàm của chính sách, đồng thời trình bày các quan điểm và ý kiến của mọi người trong các lĩnh vực khác nhau để tránh trở thành cái loa truyền thanh của chính trị. Nếu nội dung tin có yếu tố gây tranh cãi, công kích thì không được chỉ nêu quan điểm từ một phía, không được trở thành kênh truyền thông cho các đảng phái chính trị lên tiếng, công kích đối thủ.

4.4. Đối với các sách trắng (White Paper) về chính sách hoặc các chính kiến quan trọng do các chính đảng hoặc ứng cử viên đưa ra cần được đăng tải và phân tích một cách thích hợp để đảm bảo rằng các ý kiến của các chính đảng được đăng tải theo một mức độ thích hợp, vừa phải và các ý kiến của phe cầm quyền và phe đối lập cần được xử lý công bằng. Trong quá trình bầu cử, nếu xảy ra sự việc một đảng chính trị nào đó có lợi thế trong việc được truyền thông đưa tin, thì khi phe đối lập bày tỏ ý kiến cũng cần phải chú ý sao cho cân bằng về mức độ đưa tin.

4.5. Các phát biểu về quan điểm chính trị, các hoạt động tuyên truyền, các buổi vận động tranh cử của các ứng cử viên phải được đưa tin trong cùng một thời lượng và cùng một khung giờ. Trường hợp không thể đưa tin trong cùng một khung giờ thì có thể đưa tin trước khi thời lượng tin tức trong ngày kết thúc hoặc đăng tải lên phần tin tức trong ngày trên website.

4.6. Những người phụ trách tin tức và sản xuất chương trình, người dẫn chương trình, phát thanh viên và người phỏng vấn không được vì cảm xúc và lập trường chính trị cá nhân mà có sự thiên vị trong các bản tin hoặc các chương trình, đồng thời cũng không được tiết lộ lập trường chính trị của Đài Rti trên mạng xã hội. Khi sử dụng mạng xã hội để bình luận về các chính sách, dự luật hoặc các vấn đề gây tranh cãi, nên đưa ra những căn cứ và bằng chứng liên quan đến tất cả các vấn đề được đề cập đến mà không được đứng trên một lập trường cụ thể nào đó, để duy trì độ tin cậy của truyền thông một cách khách quan, công bằng, trung lập.

4.7. Theo Điều 49, Khoản 2 của “Luật bầu cử và bãi miễn công chức” có quy định, các đài phát thanh công cộng, đài phát thanh phi lợi nhuận, đài truyền hình kỹ thuật số hoặc truyền hình cáp không được phát sóng các quảng cáo tuyên truyền về vận động bầu cử, ủng hộ hoặc phản đối các trường hợp bãi miễn. Còn khi đưa tin bầu cử, không được phát trực tiếp các video quảng cáo của các đảng hoặc ứng cử viên lên trang web chính thức, trước hết phải được xử lý đúng nghiệp vụ báo chí và thể hiện dưới dạng đưa tin.

4.8. Xử lý thận trọng các cuộc khảo sát dư luận liên quan đến chính trị và bầu cử. Bản tin phải cung cấp các thông tin liên quan như đơn vị bỏ phiếu được ủy quyền, cơ quan khảo sát, phương pháp khảo sát, các mẫu hướng dẫn còn hiệu lực, phạm vi sai số và thời gian khảo sát. Các tài liệu khảo sát dư luận xã hội do các tổ chức có lập trường chính trị cung cấp nên xem xét liệu nội dung có thiên vị hay không và liệu nội dung đó có phù hợp để đưa tin hay không. Khi đưa tin về các cuộc khảo dư luận, kết quả khảo sát không được trích dẫn có chọn lọc để ủng hộ đặc biệt cho một ứng cử viên nhất định.

4.9. Căn cứ theo Mục 1, Điều 53 của “Luật bầu cử và bãi miễn công chức”, kể từ ngày thông báo bầu cử và việc thành lập hồ sơ bãi nhiệm được công bố đến trước ngày bỏ phiếu mười ngày, các đảng phái chính trị và bất kỳ ai nếu muốn công bố thông tin liên quan đến ứng cử viên, người bị bãi miễn, các cuộc bỏ phiếu, khảo sát ý kiến người dân về việc bãi nhiệm, thì phải chỉ định đơn vị chịu trách nhiệm khảo sát, người dẫn dắt, thời gian tiến hành, phương pháp rút mẫu kiểm tra, số lượng đối tượng khảo sát chính, số lượng đối tượng làm mẫu, giá trị sai số và nguồn kinh phí. Mục số 2 quy định, kể từ mười ngày trước ngày bỏ phiếu đến thời điểm kết thúc bỏ phiếu, các chính đảng hay bất kỳ ai đều không được dùng bất kỳ một phương thức nào để công bố số liệu điều tra dư luận xã hội về các ứng cử viên, người bị bãi nhiệm, các cuộc bỏ phiếu, khảo sát ý kiến người dân về việc bãi nhiệm, cũng không được có thêm các hành vi như đăng tải, phát tán, bình luận hoặc trích dẫn.

5. Tin tức y tế

5.1. Khi đưa tin về các căn bệnh phổ biến hoặc tình hình dịch bệnh mang tính chất nghiêm trọng, thì phải căn cứ theo những thông tin do các cơ quan có thẩm quyền của chính phủ công bố.

5.2. Khi đăng tải tin tức về y tế cần phải bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân, trừ những thông tin được cơ quan có thẩm quyền công bố, thì không được tiết lộ hồ sơ bệnh án, tiền sử bệnh lý của bệnh nhân khi chưa được sự đồng ý của họ.

5.3. Tin tức về y tế nên chú ý đến sự phù hợp của nội dung và không được quảng bá cho các đơn vị y tế hoặc các hoạt động điều trị y tế.

5.4. Khi đăng tải các tin tức về y tế phải tuân thủ các quy định của “Luật dược phẩm”, tránh để xuất hiện các thông tin như tên sản phẩm thuốc, thiết bị y tế và tên nhà sản xuất, nên dùng một tên gọi chung mang tính khái quát để giới thiệu, đồng thời cũng không được ẩn ý hoặc nói bóng gió về các hiệu quả điều trị y tế. Khi đưa tin về những loại thực phẩm không phải dạng thuốc thì không được tuyên bố hoặc ngụ ý rằng chúng có tác dụng nhất định trong việc điều trị bệnh.

6. Tin tức tài chính và tiêu dùng của người dân

6.1. Khi đưa tin liên quan đến lĩnh vực tài chính và tiền tệ, ví dụ như thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng, thống kê xuất nhập khẩu hải quan, v.v., thì các thông tin dữ liệu phải đảm bảo chính xác.

6.2. Khi đưa tin về các vấn đề tiêu dùng của người dân cần phải lưu ý, nội dung không được mang tính chất quảng cáo, hoặc quảng bá cho một sản phẩm, nhà sản xuất cụ thể nào đó, nên dùng một tên gọi chung mang tính khái quát để giới thiệu, tránh trực tiếp tiết lộ công ty hoặc tên của sản phẩm, không được phép nhận thù lao từ nhà sản xuất.

6.3. Phóng viên tin tức tài chính, tiền tệ cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tránh vụ lợi, không được lợi dụng những thông tin thu thập được trong quá trình phỏng vấn hoặc sản xuất, đăng tải tin tức để thực hiện giao dịch nội gián.

6.4. Không được sản xuất, đăng tải những tin tức quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm thuốc lá, rượu bia, nếu tin tức có nội dung đề cập đến thuốc lá, rượu bia, thì ở cuối bản tin phải ghi chú thêm lời cảnh báo.

6.5. Tin tức liên quan đến tranh chấp của người tiêu dùng phải được đưa tin một cách công tâm, không được thiên vị.

7. Tin tức tự tử

Việc đăng tải những tin tức về tự tử phải thực sự tuân thủ theo các quy định của Tổ chức Y tế Thế giới – Nguyên tắc “6 không 6 phải” đối với tin tức về các vụ việc tự tử:

“6 không”:

1. Không được đưa tin tự tử lên trang nhất hoặc để ở vị trí nổi bật, cũng không nên đưa tin thái quá hoặc lặp lại nhiều lần.

2. Không được sử dụng các từ ngữ mô tả một cách giật gân làm náo động dư luận, hợp thức hóa hoặc biến việc tự tử trở thành một biện pháp mang tính xây dựng để giải quyết một vấn đề nào đó.

3. Không đi vào mô tả chi tiết phương thức tự tử.

4. Không được cung cấp thông tin địa điểm xảy ra tự tử.

5. Không được sử dụng tiêu đề giật gân.

6. Không được đăng tải hình ảnh, video hoặc đường liên kết của các trang mạng xã hội.

“6 phải”:

1. Phải cung cấp những thông tin trợ giúp một cách chính xác.

2. Phải giáo dục người dân về các sự việc và biện pháp ngăn chặn tự tử và không truyền bá những điều hoang đường, phi lý.

3. Phải đăng tải những thông tin tích cực về việc làm sao để đối mặt với áp lực trong cuộc sống, với ý định tự tử cũng như làm thế nào để tìm kiếm sự giúp đỡ.

4. Phải đặc biệt thận trọng khi đưa tin về các vụ tự tử của người nổi tiếng.

5. Phải thận trọng khi phỏng vấn những người mất người thân, bạn bè do tự tử.

6. Phải lưu ý rằng, ngay cả các chuyên gia về truyền thông cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đưa tin về các vụ tự tử.

8. Tin tức trên mạng

8.1. Trước khi trích dẫn thông tin trên Internet hoặc các nền tảng mạng xã hội, thì cần phải xác minh tính xác thực và đúng đắn về nội dung của những thông tin đó, chú ý đến người đăng tải, nguồn gốc, bối cảnh và động cơ của những thông tin này, để tránh lan truyền thông tin sai lệch hoặc rơi vào cái bẫy của chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức.

8.2. Khi trích dẫn thông tin trên Internet hoặc các nền tảng mạng xã hội, nên lấy lợi ích của công chúng làm xuất phát điểm, để tránh xâm phạm quyền riêng tư cá nhân hoặc gây tổn hại đến danh dự.

8.3. Trường hợp nếu cần phải sử dụng video hoặc hình ảnh trên Internet, thì trước tiên phải nhận được sự đồng ý và được cấp bản quyền từ chủ sở hữu hoặc phía phát hành video hoặc hình ảnh đó, xác nhận nội dung và các dữ liệu do nguồn hình ảnh, video gốc cung cấp có phù hợp với các quy định về quyền tác giả và có nội dung vi phạm pháp luật hay không, đồng thời chú ý đến việc đảm bảo quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân hoặc quyền riêng tư của mỗi người.

8.4. Khi sử sụng các hình ảnh trên mạng thì cần phải ghi chú nguồn gốc rõ ràng, đối với video thì xuyên suốt từ đầu đến cuối đều phải dùng phụ đề để ghi chú nguồn gốc của video, đồng thời phải tuân thủ các quy định có liên quan của “Luật bản quyền” để sử dụng một cách hợp lý.

9. Bản tin nội bộ

9.1. Bản tin nội bộ là chỉ những thông tin được đăng tải có liên quan đến con người hoặc sự việc của Đài Phát thanh Quốc tế Đài Loan (Rti), thành viên hội đồng quản trị và nhân viên của nhà đài.

9.2. Khi đưa tin liên quan đến Đài Rti, phải nói rõ mối liên quan giữa bản tin đó và Đài Rti.

9.3. Khi đưa tin liên quan đến Đài Rti thì nên dựa trên cơ sở lợi ích công cộng, khi các vấn đề liên quan đến Đài Rti đã trở thành những vấn đề mang tính chất công khai, thì nên trả lời, giải thích với công chúng theo “Trọng điểm công tác phản hồi dư luận và đăng tải tin tức” của Đài Rti.

9.4. Khi đưa tin liên quan đến Đài Rti thì phải tuân thủ theo bản quy ước sản xuất và phát sóng này cũng như tinh thần của quy ước về tính kỷ luật của các phương tiện truyền thông khác nhau, đồng thời tạo cơ hội đối thoại công bằng cho các bên liên quan.

9.5. Khi đưa tin liên quan đến đài Rti, nên có thêm chú thích “Bản tin nội bộ” để khán thính giả dễ nhận biết.

III. Tính kỷ cương của báo chí

Để tăng cường tính kỷ cương và đảm bảo chất lượng khi sản xuất, phát sóng tin tức, cần tổ chức “Hội nghị Tư vấn tính kỷ cương trong báo chí” để giải quyết các vấn đề sau:

1. Tiến hành nghiên cứu và thảo luận về việc xử lý khiếu nại hoặc phàn nàn của khán giả và độc giả.

2. Các thành viên tham dự hội nghị có thể đóng góp ý kiến về tính kỷ cương trong báo chí và hỗ trợ sửa đổi, hoàn thiện.

3. Tiến hành mở rộng các cuộc thảo luận và đưa ra đề xuất về quy trình và nội dung sản xuất tin tức để làm căn cứ tham khảo cho bộ phận tin tức.

4. Kết quả các buổi thảo luận và tình hình sửa đổi các quy tắc có liên quan có thể thông qua biên bản ghi chép của hội nghị để thông báo rộng rãi tới toàn bộ nhân viên.

5. “Trọng điểm hoạt động của Hội nghị Tư vấn tính kỷ cương trong báo chí” sẽ được quy định riêng.

IV. Phụ lục

Các quy định trong bản công ước này được căn cứ nhưng không giới hạn bởi những bộ luật sau đây:

(1) Luật Phát thanh và truyền hình

(2) Luật Bảo vệ thông tin cá nhân

(3) Luật Bảo vệ cơ mật quốc gia

(4) Luật Bảo vệ phúc lợi và quyền lợi của trẻ em và người dưới 18 tuổi

(5) Điều lệ về phòng chống bóc lột tình dục ở trẻ em và thiếu niên

(6) Luật Xử lý các vi phạm của thiếu niên

(7) Luật Phòng chống tội phạm xâm hại tình dục

(8) Luật Phòng chống buôn người

(9) Luật Phòng chống tự sát

(10) Luật Bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật

(11) Luật Sức khỏe tâm thần

(12) Luật xuất nhập cảnh và di dân

(13) Luật dược phẩm

(14) Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm

(15) Luật phòng chống tác hại thuốc lá

(16) Luật bầu cử và bãi nhiệm Tổng thống và Phó Tổng thống

(17) Luật bầu cử và bãi nhiệm viên chức nhà nước

(18) Luật trưng cầu dân ý

(19) Luật tố tụng hình sự

(20) Luật quyền tác giả

V. Thi hành và hiệu đính

Bản công ước sản xuất và phát sóng này sau khi được Hội đồng quản trị phê duyệt thì sẽ tiến hành công bố thực thi và sửa đổi cùng một lúc.