Theo điều 3 Luật Quốc tịch hiện hành của Đài Loan quy định, một trong những điều kiện cần có chủ yếu đối với người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch muốn xin nhập quốc tịch Đài Loan đó là “Phẩm hạnh đứng đắn, không có tiền án tiền sự”, điều lệ bị mọi người phê phán có cách dùng từ quá trừu tượng, tạo cho cơ quan hành chính có quyền xem xét quyết định quá lớn, dễ tạo ra sự thiên lệch, gây tổn tại đến quyền lợi của đương sự.
Chính vì vậy vào ngày 17/12, Ủy ban nội chính Viện Lập pháp đã xếp lịch thẩm tra “Dự thảo sử đổi một số điều khoản thuộc Luật Quốc tịch”, rất nhiều ủy viên lập pháp thuộc đảng đối lập vốn hy vọng xóa bỏ cụm từ “Phẩm hạnh thiếu đứng đắn”, nhưng Bộ Nội chính cho rằng một số đương sự nếu có hành vi vi phạm ở mức độ nhẹ, như thoát y phục vụ khách uống rượu, mát-xa có tính khiêu dâm, thì ngay cả khi chưa bị kết án, cũng sẽ không được xã hội chấp nhận.
Đảng cầm quyền và đảng đối lập sau 2 tiếng đồng hồ đàm phán, quyết định thông qua phiên bản của Bộ Nội chính, nới lỏng nội dung “không có tiền án tiền sự” thành “không có tiền án hình sự”, và người vi phạm án dân sự trong vòng 3 năm không tái phạm vẫn có thể xin nhập quốc tịch lại. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi này cũng quy định rõ điều kiện quan trọng của “phẩm hạnh thiếu đứng đắn”, gồm những hành vi vi phạm thuộc chương 2 Luật bảo vệ trật tự xã hội như gây ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, gây cản trở hôn nhân hoặc cản trở gia đình mà bị kiểm sát viên truy tố, nhưng trường hợp tòa án xử vô tội hoặc không thụ lý thì không nằm trong phạm vi hạn chế này.
Ngoài ra, theo quy định của các điều khoản hiện hành, người xin nhập quốc tịch Đài Loan phải xin cấp Chứng nhận thôi quốc tịch gốc trước, nhưng rất nhiều quốc gia yêu cầu nếu muốn bỏ quốc tịch của nước đó thì phải được nhập quốc tịch của nước khác trước đã, điều này đã khiến rất nhiều người trở thành trái bóng bị đá qua đá lại. Do vậy, hai đảng cầm quyền và đảng đối lập cũng thông qua nội dung sửa đổi quy định tại điều 9 Luật Quốc tịch, theo đó cho phép người xin nhập quốc tịch Đài Loan có thể trình giấy chứng nhận thôi quốc tịch gốc trong vòng 1 năm, và nếu đương sự có thể đưa ra lý do không thể quy trách nhiệm cho người đó dẫn đến không xin được chứng nhận thôi quốc tịch gốc, thì được miễn xuất trình chứng nhận thôi quốc tịch gốc.
“Dự thảo sửa đổi một số điều khoản của Luật Quốc tịch” được thông qua vòng đầu, nhưng trước khi trình lên phiên họp của Viện Lập pháp hai bên đảng cầm quyền và đảng đối lập vẫn cần phải bàn bạc đàm phán thêm.
Tường Vy