Sau 5 năm gián đoạn, cuối cùng Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư Đài - Mỹ (TIFA) lần thứ 11 sẽ nối lại đàm phán vào ngày 30/6 bằng phương thức trực tuyến. Bà Tiêu Mỹ Cầm trưởng đại diện Văn phòng Đài Loan tại Mỹ và ông Brent Christensen trưởng đại diện Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) sẽ phát biểu khai mạc cuộc họp. Phó trưởng đoàn đàm phán của Văn phòng Đàm phán Kinh tế và Thương mại thuộc Viện Hành chính giữ vai trò đại diện cho Đài Loan tiến hành hội đàm với các quan chức Sở Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).
Ngày 28/6 bà Tiêu Mỹ Cầm trưởng đại diện Văn phòng Đài Loan tại Mỹ đã đăng tải bài viết trên trang Facebook với nội dung, sau nhiều năm gián đoạn, đối thoại thương mại Đài Loan-Mỹ cuối cùng đã được khôi phục, cuộc đối thoại lần này sẽ đặt nền tảng quan trọng cho các hoạt động hợp tác kinh tế và thương mại song phương trong tương lai.
Bà Tiêu Mỹ Cầm chỉ ra rằng, môi trường kinh tế thương mại toàn cầu đang có những thay đổi mạnh mẽ, làm thế nào để Đài Loan có thể thúc đẩy chuyển đổi các ngành công nghiệp trong nước để đối phó với những thay đổi bên ngoài, cũng như phân tán rủi ro dựa trên góc độ toàn cầu, đồng thời không thể chậm trễ trong việc cải thiện quan hệ với các đối tác thương mại lớn, tranh thủ thêm cơ hội tồn tại và không gian hợp tác.
Bà Tiêu Mỹ Cầm bày tỏ, sự chuyển đổi của ngành công nghiệp Đài Loan trong 10 năm qua có thể đã gặp những khó khăn khi đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế. Nhưng xét về mặt tổng thể, giá trị hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường toàn cầu khiến việc ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác là nhiệm vụ quan trọng của bất kỳ đảng phái nào đang chấp chính.
Nhưng bà Tiêu Mỹ Cầm cũng thẳng thắng cho rằng, Đài Loan phải đối mặt với thách thức nội bộ về việc mở cửa thị trường, và Mỹ không phải là ngoại lệ. Nếu Đài Loan muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ để bắt đầu các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại song phương (BTA), thì cũng phải xem xét góc độ quan tâm của phía Mỹ, từ đó mới tạo ra sự đột phá trong khung thương mại song phương hiện có, để tiến đến khả năng tạo ra thành quả song phương cùng có lợi.
Bà Tiêu Mỹ Cầm nhấn mạnh, việc khởi động lại TIFA vào thời điểm này kết hợp với “Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Đài -Mỹ (EPPD) được khởi động hồi năm ngoái, sẽ cho phép cả đôi bên tăng cường sâu sắc hóa hợp tác song phương trên các phương diện thương mại, công nghiệp, công nghệ và đầu tư. Bà nói: "Tôi hy vọng rằng thiện chí và sự tin tưởng lẫn nhau mà hai bên tích lũy từng bước sẽ trở thành động lực cho quá trình đàm phán ký kết Hiệp định thương mại song phương BTA trong tương lai."
Tường Vy