Mùa hè càng ngày càng nóng là cảm nhận chung của tất cả mọi người. Trên thực tế, hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên, đồng thời làm thay đổi khí hậu trên toàn cầu đã gây ra ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta từ rất lâu rồi. Nhưng mùa hè có thật sự càng ngày càng nóng lên không? Nguyên nhân đằng sau của việc nhiệt độ tăng lên là gì? Bên cạnh đó, ngoài việc nhiệt độ tăng cao, biến đổi khí hậu còn mang đến những tác động nào nữa? Chúng ta hãy cùng nhau xem xét về hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như ảnh hưởng của nó thông qua những dữ liệu chính nhé.
Tháng 7 năm 2023, nhiều nơi trên toàn cầu đều đạt mức nắng nóng kỷ lục, Châu Âu đã phải đón nhận đợt sóng nhiệt Cerberus (theo tên chó ba đầu canh gác địa ngục trong thần thoại Hy Lạp - người dịch); ở bên kia Đại Tây Dương, Thung lũng Chết, California, Mỹ xuất hiện nhiệt độ cao gần tới mức kỷ lục trong lịch sử; còn ở Châu Á thì Ấn Độ đã phải hứng chịu đợt nắng nóng từ tháng 4, tới tháng 6, thậm chí nhiệt độ còn lên tới 47 độ C.
Biến đổi khí hậu không chỉ là nhiệt độ tăng cao, mà kèm theo đó là những thảm họa nghiêm trọng do các kiểu khí hậu cực đoan gây ra. Ví dụ như Bờ Đông nước Mỹ đã có mưa rất lớn vào ngày 9 tháng 7 khiến 50 triệu người dân sinh sống ở khu vực duyên hải này lâm vào cảnh lụt lội; hay như ở Hàn Quốc, mưa liên tiếp trong nhiều ngày gây lũ lụt, sạt núi trên diện rộng làm cho 40 người thiệt mạng; hoặc ở Kyushu, Nhật Bản, mưa lớn vào ngày 10 tháng 7 đã lập kỷ lục mới trong lịch sử quan trắc của địa phương, khiến chính quyền địa phương phải vội di dời hơn một trăm nghìn người, mưa lớn cũng khiến 6 người thiệt mạng. Bên cạnh đó, Ấn Độ vốn dĩ đón mùa mưa đến từ tháng 6 tới tháng 9, thì lượng mưa chỉ riêng ngày 9 tháng 7 đã đạt mức 153mm, phá vỡ kỉ lục trong 40 năm qua. Tới ngày 8 tháng 8, ở hòn đảo Maui, hòn đảo lớn thứ 2 của quần đảo Hawaii, do hạn hán cộng thêm bão lớn nên đã bùng phát thảm họa cháy rừng lớn nhất 100 năm gần đây, đốt cháy ngôi làng Lahaina, một ngôi làng có lịch sử lâu đời, cho tới ngày 18 tháng 8, đã có 101 người thiệt mạng, hàng nghìn người mất tích và con số thương vong vẫn tiếp tục tăng cao do thảm họa cháy rừng này.
Mùa hè năm nay, không chỉ nắng nóng cực đoan, mà mọi người ở khắp nơi đều có thể cảm nhận được những ảnh hưởng từ thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Rốt cuộc thì mùa hè có thật là năm này nóng hơn năm khác không? Biến đổi khí hậu đã gây ra những thay đổi quan trọng nào cho môi trường và hệ sinh thái? Thế giới trong tương lai sẽ ra sao? Hãy để cho những dữ liệu đã được nghiên cứu và thống kê nói cho bạn biết câu trả lời.
Trong gần 40 năm, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đã tăng gấp 2 lần
Căn cứ vào phân tích của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA, nhiệt độ trung bình của Trái Đất năm 2022 cao hơn so với nhiệt độ trung bình cuối thế kỷ 19 là 1,11 độ C. Nhiệt độ trung bình năm 2022 và năm 2015 cùng xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong lịch sử từ trước tới nay. Từ năm 1880, khi bắt đầu theo dõi nhiệt độ trung bình của Trái Đất thì chỉ riêng từ năm 2014 tới năm 2022 đã chiếm 9 năm trong tổng số 10 năm có nhiệt độ trung bình cao nhất lịch sử.
Các nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu phát hiện, từ năm 1880 tới năm 2022, nhiệt độ trung bình của Trái Đất có tốc độ tăng bình quân là 0.08 độ C mỗi 10 năm, nhưng kể từ năm 1981 thì tốc độ tăng là 0.18 độ C mỗi 10 năm, có nghĩa là tốc độ nóng lên của Trái Đất trong 40 năm gần đây nhanh gấp 2 lần 140 năm trước. Các nhà khoa học cho rằng, đây chính là vì những năm gần đây, khi sản xuất và tiêu dùng, con người đã không ngừng đốt các nhiên liệu hóa thạch cũng như phá rừng, làm trầm trọng thêm hiệu ứng nhà kính, khiến tốc độ nóng lên của Trái Đất tăng nhanh hơn.
Ngoài ra, những biến đổi tự nhiên của khí hậu như hiện tượng “El Nino”, “La Niña” cũng là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ nóng lên của Trái Đất diễn ra nhanh hơn.
Thế nào là hiện tượng “El Niño”, “La Niña”?
Hằng năm, vào dịp trước và sau Giáng Sinh, sẽ có một dòng hải lưu ấm từ bắc xuống nam ở phía đông Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển phía tây Peru khiến lượng cá đánh bắt được giảm xuống. Ngư dân ở khu vực này thường tranh thủ thời gian này để sửa chữa và bảo dưỡng tàu thuyền cũng như các công cụ đánh bắt cá, đồng thời đặt tên cho dòng hải lưu ấm đến vào dịp Noel này là El Niño. Tên El Niño trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là đứa con của Chúa hay còn gọi là bé Hài Đồng nam. Các nhà khoa học mượn cách giải thích của ngư dân ở Peru, gọi hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, xảy ra mỗi 2 tới 7 năm, ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu này là El Niño.
Tuy nhiên, nhiệt độ nước biển ở phía đông xích đạo Thái Bình Dương đôi khi trở nên rất lạnh, tác động của nó đến khí hậu toàn cầu gần như trái ngược với El Niño. Hiện tượng lạnh bất thường này còn được các nhà khoa học đặt tên là "La Niña", có nghĩa là “bé gái” hay "bé Hài Đồng nữ" trong tiếng Tây Ban Nha. Đây chính là nguồn gốc của cái tên "La Niña".
Ông Từ Hoàng Hùng, Giám đốc điều hành Trung tâm Biến đổi khí hậu nhân tạo tại Trung tâm nghiên cứu biến đổi môi trường Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan AS, giải thích rằng, trong vài năm qua, thế giới đã chứng kiến hiện tượng La Niña, theo lý thuyết sẽ làm mát Trái Đất, nhưng ngược lại, lại có tin về nhiệt độ cao ở nhiều nơi và hiện tượng El Niño năm nay đã khiến các nhà khoa học càng ngạc nhiên hơn - bởi trước đây, hiện tượng El Niño chủ yếu là do nhiệt độ nước biển ở phía đông Thái Bình Dương tăng lên, nhưng năm nay, quan sát cho thấy nhiệt độ nước biển trên toàn thế giới đều tăng. Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc (WMO) cũng chỉ ra hiện tượng El Niño và khí nhà kính do con người thải ra sẽ khiến nhiệt độ Trái Đất phá kỷ lục trong 5 năm tới, do đó dự đoán nhiệt độ Trái Đất có thể tăng vượt vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tại sao lại lấy 1,5 độ C làm ngưỡng cảnh báo cho mức tăng nhiệt của Trái Đất?
Mục tiêu chung được các quốc gia trên thế giới đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp. Một khi ngưỡng cảnh báo này bị vượt quá, thế giới sẽ phải hứng chịu thời tiết cực đoan thường xuyên hơn, nước biển nóng lên cũng sẽ khiến hàng loạt rạn san hô bị chết và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, kèm theo băng tan dẫn đến mực nước biển dâng cao cũng sẽ gây hại cho cư dân ở các khu vực ven biển.
Vì vậy, các nước cam kết kiểm soát mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C, để mức độ biến đổi môi trường nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được, không gây ra cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu lâu dài và ngoài tầm kiểm soát.
Mùa hè càng ngày càng dài, tới năm 2060, Đài Loan rất có thể sẽ không còn mùa đông
Khi hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng bốn mùa trên khắp thế giới cũng bắt đầu thay đổi, mùa hè ngày càng dài hơn và ba mùa xuân, thu, đông dần rút ngắn lại. Khi độ dài của các mùa thay đổi, băng biển cũng xuất hiện những hiện tượng đáng lo ngại. Nghiên cứu mới nhất trên tạp chí khoa học “Nature Communications” cho thấy, nhanh nhất thì tới năm 2030, bề mặt biển Bắc Cực có thể hoàn toàn không có băng vào mùa hè, và ngay cả khi lượng khí thải carbon của thế giới giảm xuống cực thấp, thì tới năm 2050, băng biển Bắc Cực vẫn có thể biến mất vào mùa hè. Một khi mùa hè không còn băng biển, quá trình hình thành băng vào mùa đông sẽ càng chậm hơn, cuối cùng có thể dẫn đến sự biến mất hoàn toàn của lớp băng. Một Bắc Cực không có băng biển mùa hè sẽ tác động đến thời tiết toàn cầu, gây ra những thảm họa thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt ở những nơi có vĩ độ trung bình và cao.
Ở vùng cận nhiệt đới như Đài Loan, mùa hè cũng nóng hơn và dài hơn trước đây, số ngày có nhiệt độ cao (tức là số ngày có nhiệt độ trên 35 độ C) ở Đài Bắc vào năm 2022 sẽ nhiều hơn năm 1971 là 20 ngày. Nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu của Đài Loan ước tính rằng, vào cuối thế kỷ này (thế kỷ 21), độ dài mùa hè của Đài Loan có thể tăng từ khoảng 130 ngày ở thời điểm hiện tại lên 155 đến 210 ngày tùy theo điều kiện khí hậu và độ dài mùa đông từ 70 ngày ở thời điểm hiện tại sẽ giảm xuống từ 0 đến 50 ngày. Nói cách khác, trong trường hợp nghiêm trọng nhất, khi không giảm phát thải khí nhà kính, mùa đông ở Đài Loan có thể biến mất hoàn toàn ngay sau năm 2060.
Vào cuối thế kỷ này, một phần ba dân số thế giới sẽ phải rời bỏ quê hương do nhiệt độ cao
Tại sao chúng ta cần đặc biệt chú ý đến tốc độ nóng lên của Trái Đất? Bởi vì điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn và của tôi. Ngoài việc giết chết con người, nhiệt độ cao còn có thể làm giảm năng suất của con người cũng như thu hoạch mùa màng, dẫn đến dân số di cư nhiều hơn và đẩy nhanh tốc độ lây lan dịch bệnh, cho nên chúng ta không thể làm ngơ trước những cảnh báo về tốc độ nóng lên của Trái Đất.
Nghiên cứu gần đây cho thấy nếu thế giới tiếp tục nóng lên với xu hướng hiện nay, thì nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng hơn 2,7 độ C, đến cuối thế kỷ này sẽ có 1/3 dân số thế giới phải sống trong môi trường nhiệt độ cao cực kỳ nguy hiểm. Nhiệt độ cao nguy hiểm là chỉ nhiệt độ trung bình hàng năm vượt quá 29 độ C. Một khi vượt quá 29 độ C, các chức năng của cơ thể con người như đổ mồ hôi, điều hòa nhiệt độ và chức năng nhận thức sẽ bị ảnh hưởng và tỷ lệ tử vong do chấn thương nhiệt sẽ tăng.
Theo dự đoán, toàn bộ Tây Phi và Vịnh Ba Tư sẽ trở thành những khu vực cực kỳ nóng trong tương lai và tại các quốc gia như Burkina Faso, Mali, Qatar, Aruba và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, toàn bộ lãnh thổ của những quốc gia này có thể không còn thích hợp cho con người sinh sống nữa. Nghiên cứu cũng dự đoán rằng một lượng lớn người dân ở Ấn Độ, Nigeria và Indonesia sẽ buộc phải rời bỏ quê hương của mình. Điều đáng lo ngại hơn nữa là nhiều quốc gia kể trên là những quốc gia có thu nhập thấp, thiếu nguồn lực để đối phó với thảm họa khí hậu, do đó, làm thế nào để giúp người dân ở các quốc gia này tìm được nơi sinh sống phù hợp sẽ là một vấn đề lớn trong tương lai.
Khi nhiệt độ trung bình tăng thêm 2 độ C, 99% rạn san hô sẽ biến mất
Nhiệt độ trung bình của Trái Đất tiếp tục tăng, ngoài những tác động đến lối sống của con người thì các loài động vật và thực vật trong tự nhiên cũng sẽ không còn nơi nào để chạy trốn. Hội đồng Liên Chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) đã xuất bản một báo cáo Đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và các Dịch vụ hệ sinh thái dài hàng nghìn trang vào năm 2019, trong đó chỉ ra rằng, nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát, một số lượng lớn các loài sinh vật sẽ biến mất khỏi Trái Đất.
Trong số rất nhiều loài bị ảnh hưởng, san hô nhận được sự quan tâm đặc biệt vì nhiệt độ nước biển tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rạn san hô, do đó, rạn san hô trở thành chỉ số quan trọng để quan sát tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, mặc dù các rạn san hô chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích đáy biển toàn cầu nhưng chúng có thể cung cấp môi trường sống cho khoảng 25% sinh vật biển, do đó, rạn san hô là một trong những hệ sinh thái đa dạng sinh học nhất trên Trái Đất, cũng có nghĩa là, sự suy giảm của các rạn san hô chính là cảnh báo sẽ có nhiều loài biến mất khỏi Trái Đất.
Tiến sĩ Ove Hoegh-Guldberg, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thay đổi Toàn cầu tại Đại học Queensland ở Úc, chỉ ra rằng, nghiên cứu đã phát hiện 14% san hô đã biến mất kể từ năm 2009. Năm 2018, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã công bố một báo cáo, trong đó chỉ ra sự khác biệt giữa các rạn san hô khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và 2 độ C. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, các rạn san hô sẽ giảm từ 70 đến 90% và khi nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C, Trái Đất sẽ mất đi 99% các rạn san hô.
Vì vậy, hệ sinh thái rạn san hô quý giá dưới đại dương có thể nói là đang đối mặt với nguy cơ rất lớn. Nếu nước biển tiếp tục nóng lên, các loài tảo vốn sống cộng sinh với san hô sẽ biến mất, sau khi những loài tảo nhiều màu sắc này chết đi hoặc rời khỏi san hô, chỉ còn lại những cá thể polip san hô ban đầu khiến rạn san hô bị “tẩy trắng”. Hơn nữa sự biến mất của tảo cũng sẽ ảnh hưởng đến các sinh vật khác sinh sống ở rạn san hô. Chính vì vậy nước biển ấm lên có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh học quý giá của rạn san hô.
Thu Hà