Đối với những người nghiên cứu về người dân tộc nguyên trú tại Đài Loan, hầu như ai cũng nghe qua danh của ông Ino Kanori. Ông là một chuyên gia nghiên cứu về dân tộc nguyên trú Đài Loan vào thời kỳ người Nhật chiếm đóng tại Đài Loan, trong đó bao gồm dân tộc, ngôn ngữ, lịch sử, tài nguyên, chế độ, và tất cả những gì liên quan đến người dân tộc nguyên trú.
Ông đã đến Đài Loan trong giai đoạn từ năm 1896 đến 1901, và tổng cộng đã tiến hành 5 cuộc điều tra thực địa quy mô lớn tại Đài Loan. Năm 1897 ông đã đến tiến hành một cuộc khảo sát trên toàn đảo Đài Loan, có thể nói là vô tiền khoáng hậu thời bấy giờ, chuyến đi của ông kéo dài gần 200 ngày, ông đã đi vào những khu vực cấm địa – lãnh địa của những người dân tộc, đi từ Bắc đến Nam, từ Nam đến Đông, và trong thời gian đó ông còn từng đi ra đảo Lan Tự ở vùng biển ngoài khơi miền Đông Đài Loan.
Trong lần đi vòng quanh đảo này, ông đã thu được nhiều thành quả đáng kể, trong chuyến đi của mình, ông đã ghi chép lại rất tỉ mỉ sự mô tả về ngoại hình, ngôn ngữ, tôn giáo hay các thói quen phong tục của người dân tộc nguyên trú trên toàn Đài Loan, lần đầu tiên đưa phương pháp phân loại khoa học vào nghiên cứu người dân tộc nguyên trú Đài Loan trong thời cận đại.
Ông đã dùng tâm huyết cả đời mình để viết ra tác phẩm “Đài Loan Văn hóa chí”, tổng cộng có 3 cuốn, trong đó đã ghi lại sự phát triển thời đại của Đài Loan vào thời bấy giờ, tác phẩm này như một bách khoa toàn thư về Đài Loan. Nhưng đáng tiếc rằng là là ông Kanori không thể tận mắt nhìn thấy tác phẩm này ra đời, ông đã mất vào năm 1925 do bệnh sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết của ông cũng là bị nhiễm trong thời gian đi khảo sát ở Đài Loan, sau đó lâm trọng bệnh và qua đời. Sau này vợ ông tìm thấy bản thảo “Đài Loan Văn hóa chí” trong di vật của ông, và cho xuất bản vào năm 1928. Sau khi tác phẩm này được xuất bản, đã gây nên tiếng vang lớn trong xã hội, và cũng từ đó tạo nên địa vị không ai có thể thay thế của ông trong mảng nghiên cứu văn hóa và dân tộc nguyên trú tại Đài Loan.