:::

Những Chiếc Bình Vỡ Nơi Đảo Ngọc

  • 26 June, 2020

Những chiếc bình vỡ nơi đảo ngọc - Nguyễn Văn Nam : Đoạt giải thưởng Di dân và di công năm 2019

Chào các bạn! Tôi là Nguyễn Văn Nam, di công Việt Nam. Năm 2011, vì phạm pháp tại Đài Loan nên lao vào vòng tù tội. Trước đây, tôi không thích đọc sách, cũng không thích viết văn. Nhưng kể từ khi vào tù, viết văn đối với tôi là một cách tìm lại sự tự do cho tâm hồn trong cảnh mất đi tự do. Mỗi lần bài viết của tôi quá giang sách báo, vượt qua tường rào thép giáp của trại giam, về với xã hội tự do bên ngoài, tôi đều cảm thấy rất vui. Giải thưởng Văn học dành cho di dân di công năm nay, may mắn đoạt giải. Chân thành cảm ơn cán bộ quản giáo trại giam Lục Đảo cùng cô Nhã Đình, nhân viên nhà sách Briliant Times, giúp đỡ và động viên tôi viết bài.

Dịu ơi, Dịu! Dịu ơi! Em ơi....

Hùng bật đèn lên, đồng hồ treo tường chỉ hai giờ sáng. Giờ này ngoài sông lạnh lắm. Hùng biết đó làm tiếng gào của Bình, anh họ Hùng, hùng khoác vội chiếc áo gió, cầm thêm một chiếc nữa. Hùng đẩy cửa đi ra ngoài. Trời tối thẫm, gió đông lộng vào người lạnh thấu. Ánh sánh từ trong nhà hắt ra, giúp Hùng lờ mờ nhìn thấy hai bóng người ngời ở bậc thềm, chỗ ra bờ sông.

Cậu mợ vào nhà đi khỏi lạnh, để con ra đưa anh Bình về.

Ừ, con ra đưa anh nó về giúp mợ. Để mợ vào nhà nấu bát canh gừng, chốc nữa hai anh em uống cho ấm bụng.

Nói rồi mợ Hùng dùng tay áo quệt nớc mắt đứng dậy, kéo cậu Hùng đi vào nhà. Đi được vài bước, cậu Hùng quay lại gọi giật:

Hùng ơi!  Mày tính sao chớ, cậu thấy người trong làng mình đi ra nước ngoài làm ăn kiếm được cũng khá. Cứ ở nhà trồng lúa với chả trồng ngô, cả đời cũng không đủ ăn đâu. Mày đi hỏi xem sao, nếu được thì cả hai anh em cùng đi một chuyến, chứ thằng Bình cứ lẩn quẩn ở nhà, tối ngày nhìn ra ngoài sông nó chịu sao thấu?

Dạ! Để chốc nữa trời sáng con đi hỏi han xem sao.

Bình là con trai duy nhất của cậu mợ Hùng. Cậu mợ Hùng kết hôn muộn. Khi đó, Bình mới hai mươi lăm tuổi, mà cậu mợ thì đã xấp xỉ sáu mươi cả rồi. Nhà cậu mợ và nhà Hùng kề sát nhau, có chung một khoảng sân phía trước. Phía bên phải sân là con đường dẫn ra đường làng, còn phía bên trái khoảng sân là con đường dẫn ra bờ sông, Hùng mò mẫm đi theo con đường này, hai bên là ruộng ngô, cây đã cao đến quá thắt lưng, gió lùa vào phát ra  những tiếng lào xao. Đi hết ruộng ngô là tới bãi cát. Bình cứ chạy dọc theo bải cát này, vừa chạy vừa gọi lớn: “Dịu ơi, Dịu! Dịu ơi! Em ơi...” Đã ba năm rồi, kể từ ngày Dịu mất, Bình vẫn thường xuyên như vậy.

Hùng chạy theo Bình, khoác cho Bình chiếc áo gió. Bình giờ đây trông gầy và tàn tạ đi nhiều so với ba năm về trước.

Anh ơi! Về nhà với em đi anh, về với cậu với mợ, ở ngoài này lạnh lắm!

Hùng đó hả em? – giọng Bình mơ hồ, miệng nồng nặc mùi rượu – Mẹ con cái Dịu đang đợi anh ở đây em ạ! Em cho anh đứng đây thêm chốc nữa, chốc nữa thôi, rồi anh về.

Nghe Bình nói mà Hùng thấy thương Bình nhiều lắm. Thương mà chẳng biết làm được gì cho Bình cả. Hùng chỉ còn cách lặng lẽ đi bên cạnh Bình, chẳng nói thêm câu gì. Hai người đi tới đi lui trên bãi cát, mãi tới lúc trời tờ mờ sáng mới quay về.

Dịu, vợ Bình là người thị trấn Nam Đàn, nhà ở đối diện ngay bên kia bờ con sông Lam này. Dịu đẹp người, ai cũng tấm tắc khen Bình tài giỏi, khéo tán tỉnh. Cưới nhau được hơn nửa năm, Dịu có bầu. Bình vui lắm, còn chưa biết con trai hay con gái, mà Bình đã đi qua thị trấn mua đầy đồ chơi và quần áo trẻ em. Trên đường về, Bình gặp Đức, người yêu cũ của Dịu. Đức con nhà giàu, cao lớn đẹp mã, chỉ khổ nỗi có cặp mắt lươn, nên nhìn mặt lýc này cũng như đang toan tính một âm mưu bất lương gì. Nhìn thấy Bình, Đức sủa ngay:

A! Thằng nhai lại.

Đức dùng ngón tay giữa và ngón tay trỏ ngoắc thành một vòng tròn, rồi dùng ngón tay giữa của tay kia thọc vào cái vòng tròn đó, thọc vào rút ra, thọc vào rút ra...

Tao biết vợ mày, con Dịu í. Nó có một cái vết sẹo ở ngay sát cái “lều cỏ” của nó. Trước đây, lúc tao chơi nó, nó rên rỉ quá trời. Tao hưng phấn quá nên mới cắn cho nó một phát vào đó để làm kỷ niệm.

Nói rồi, Đức khoái chí bật cười ha hả.

Thằng mất dạy!

Bình vất hết đồ đạc xuống đường và xông vào Đức.

Hai người đánh nhau đến mặt mũi tím bầm, sưng vếu lên mới thôi. Tối đó, Bình về nhà và cãi nhau với Dịu. Trong cơn tức giận, Bình chửi Dịu là: “Đồ con đĩ lăng loàn.” rồi đuổi Dịu ra khỏi nhà. Dịu tủi thân, khóc tức tưởi. Dịu chạy ra bờ sông, leo lên chiếc thuyền nan, rồi chèo về nhà ba mẹ ruột ở bên kia bờ sông, ngay trong đêm tối.

Đến sáng hôm sau, Bình hối hận. Đang tính qua nhà ba mẹ vợ in lỗi, rồi đón Dịu về, nhưng chưa kịp đi thì có bác vãn chài, người cùng làng, hớt hơ hớt hãi chạy tới. 

Bình ơi Bình! Con bé Dịu vợ mày có nhà không?

Không, hôm qua cô ấy về bên ngoại rồi. Có việc gì vậy bác?

Nhìn vẻ mặt hốt hoảng của bác ấy, Bình bỗng thấy lo lo. Một cảm giác bất an như có điều gì, một điều gì đó chẳng lành, sắp sửa xảy ra...

Sáng sớm nay, tao kéo mẻ lưới đầu tiên ở khúc sông dưới, ngay chỗ cây sung. Thấy mẻ lưới nặng quá trời, tao còn tưởng vớ được mớ cá lớn. Ai dè, kéo lên xác một phụ nữ. Tao nhìn sao mà giống con bé Dịu vợ mày quá. Tao hoảng hồn nên vội vã đến đây ngay. Mày thử chạy ra xem sao.

Nghe vậy, Bình thất kinh, chẳng còn nghĩ đến chuyện đi giày đi dép mà làm gì nữa. Bình chạy một mạch ra bờ sông. Vì vội quá, Bình ngã chúi mặt xuống ruộng luôn mấy lần.

******

Tuấn cõng cu Dế kinh koong trên cổ đi ra cổng. Yến ôm chiếc ba lô lẽo đẽo đi theo sau. Ra tới cổng, tuấn chỉ vào cây vú sữa vừa trồng tháng trước, cạnh cổng ngõ.

Khi nào cây vú sữa này ra trái, thì ba sẽ mua máy bay điều khiển từ xa về cho con chơi.

Thật không hả ba? – cu Dế reo lên. – Máy bay giống như của thằng Tí con nhà bác Toàn hả ba?

Không, đẹp hơn cái máy bay đó nhiều.

Tuyệt quá ba ơi! Nhưng đến khi nào thì cây vú sữa này mới ra trái hả ba?

Nếu ngày nào con cũng tưới nước cho nó, thì ba năm nữa nó sẽ ra trái.

Nhất định ngày nào con cũng sẽ tưới nước cho nó. Ba nhớ phải giữ lời đó nghen.

Ừ, nhất định ba sẽ giữ lời. – Tuấn đặt cu Dế xuống đất. – Chúng ta ngoắc tay làm chứng nhé!

Hai ba con vui vẻ ngoắc ngón tay vào nhau để làm minh chứng cho lời hứa.

Ba ơi! Con phải chạy qua kể cho thằng Tí nghe mới được. – Nói rồi, cu Dế hớn hở chạy vụt đi.

Tuấn nhìn theo hình dáng gầy gò của con trai, mà cảm thấy mình thật vô dụng. Đã bảy tuổi rồi mà trông nó còn bé hơn cả những đứa trẻ sáu tuổi khác. Từ bé tới giờ, nó có được uống thêm một giọt sữa nào đâu. Tuấn quay qua vợ, nhận chiếc ba lô từ tay Yến.

Anh đi em nhé!

Qua đó nhớ viết thư về liền nha anh. – Yến sụt sịt.

Ừ, anh sẽ viết thư về liền. – Tuấn ôm Yến vào lòng, hôn lên tóc Yến – Em ở nhà chịu cực thêm ba năm nữa. Ba năm nữa thôi. Chờ anh về. Có tiền, mình mở quán bán tạp hóa. Cuộx sống chắc chắn sẽ khá hơn.

Một lúc lâu sau, Tuấn mới buông Yến ra.

Anh đi đây.

Nói rồi, Tuấn ôm ba lô vội vã bước đi như chạy. Tuấn biết Yến sẽ khóc. Tuấn không muốn nghe thấy tiếng khóc của Yến. Tuấn sợ, sợ mình sẽ không còn đủ can đảm để bỏ vợ bỏ con bơ vơ mà ra đi.

Một tháng sau...

Anh ra đi, bỏ lại em chông chênh giữa bến bờ thương nhớ

Đêm giật mình, bỡ ngỡ, nước mắt tràn mi...

Mẹ ơi! Con làm xong bài tập về nhà của cô giáo rồi. Con đi tưới nước cho cây vú sữa mẹ nhé!

Từ từ để mẹ xem bài viết của con thế nào đã.

Yến đặt cây bút xuống bàn. Lá thư hồi âm viết cho Tuấn vẫn còn dang dở. Hôm nay vừa nhận được thư của Tuấn từ Đài Loan gửi về. Tuấn khoe, công xưởng việc làm nhiều lắm, ngày nào cũng làm từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới nghỉ, có hôm còn tăng ca đến 1-2 giờ sáng. Nếu cứ đà này thì chẳng mấy chốc sẽ trả hết nợ tiền phí môi giới lúc đi, và ước mơ mở quán tạp hóa của hai vợ chồng sẽ trở thành hiện thực. Cuối thư, Tuấn còn nắn nót viết hai câu thơ đầy yêu thương:

Anh ra đi, hành trang mang theo chẳng có gì

Sự giàu có nơi anh chính là hình bóng của em và con.

Yến cầm cuốn tập của cu Dế lên và lật ra em:

Đề bài: Tả lại con vật mà em yêu thích.

Bài làm: Nhà em có nuôi một con heo con. Cái đầu nó giống như trái bưởi. Hai con mắt đen nhánh như hai hạt nhãn. Hai cái tai nhọn nhọn như hai chiếc lá chanh. Còn bốn chân của nó trông y hệt bốn củ cải trắng. Mỗi lúc mẹ em cho nó ăn, cái đuôi nó ngắn củn cỡn, trong giống như trái ớt cay, vẫy qua vẫy lại...

Ơ, có ai lại tả con heo như thế này bao giờ. – Yến nhịn không được, bật cười khúc khích.

Nhưng con chỉ muốn được đi tưới nước cho cây vú sữa cơ. – cu Dế nũng nịu.

Thôi được rồi. – Yến dễ dãi. – Nhưng tưới nước xong phải vào viết lại đấy nhé!

Vâng ạ! – chỉ chờ có vậy, cu Dế lấy chiếc gáo dừa múc đầy nước, rồi chạy như bay như biến ra cổng.

Yến lại cầm cây bút lên. Yến nghĩ, nếu kể cho Tuấn nghe về bài tập làm văn của cu Dế, chắc Tuấn sẽ vui lắm. Đang miên man nghĩ, chợt chuông điện thoại reo vang.

Reng... reng... reng...

Alô!

Xin hỏi, chị có phải là chị Bùi Ngọc Yến, vợ của anh Trần Quốc Tuấn không?

Vâng, tôi đây. Xin hỏi anh là...

Tôi là nhân viên công ty môi giới Vinagimex, người phụ trách mọi vấn đề liên quan đến việc anh Trần Quốc Tuấn làm việc tại nước ngoài.

Xin hỏi, có việc gì không anh?

Mười giờ tối ngày hôm qua, anh Tuấn bị tai nạn trong lúc làm việc. Chị sắp xếp để ba ngày sau đi cùng chúng tôi qua Đài Loan nhận xác.

Gió lạnh buổi chiều luồn qua kẽ lá, có thể nghe rõ tiếng sột soạt của lá cây vườn. Yến nghẹn ngào, rồi Yến bật khóc...

***

Đêm 18-12-2017, đó là đêm mùa đông bất hạnh nhất trong cuộc đời Santi. Hôm đó là sinh nhật đứa con gái duy nhật của chị. Con bé Yanti vừa tròn tám tuổi. Chị ở nhà làm bánh kem và chuẩn bị bữa tối, còn chồng chị chở con bé ra phố để chọn mua quà sinh nhật cho nó. Trước khi ra khỏi nhà, con bé quay lại nhìn Santi và nói: “Mẹ ơi! Bánh kem cho nhiều sữa một tí mẹ nhé! Con thích mùi thơm của sữa.” Đó là lần cuối cùng chị Santi được nghe tiếng nói của con bé, và cũng là lần cuối cùng chị được nhìn thấy chồng và con gái khi họ dắt xe ra...

***

Báo cáo đồn trưởng. – cậu cảnh sát tẻ chập gót chân đánh “cộp” một tiếng xuống sàn nhà, và đặt tay lên trán làm một động tác chào hết sức chuẩn mực – Thành thật xin lỗi vì đã làm gián đoạn việc đọc sách của đồn trưởng, nhưng tôi có việc cần được báo cáo gấp.

Cậu cảnh sát trẻ này có khuôn mặt hình chữ điền, tóc cắt ngắn, đôi mắt sáng đầy vẻ cương trực. Chỉ cần nhìn sơ qua cũng đủ biết cậy ta thuộc tuýp người xem cái ác như kẻ thù. Cậu ta vừa được chuyển tới đồn cảnh sár này vào ngày hôm qua.

Không sao cả, có việc gì cậu cứ nói. – Vị đồn trưởng già, mái tóc đã nhuốm màu muối tiêu. Ông gập cuốn sách đang đọc dở lại, nhìn cậu cảnh sát trẻ mỉm cười khích lệ.

Báo cáo đồn trưởng. Hôm nay trong lúc đi tuần, tôi phát hiện năm người nước ngoài đang làm việc ở một vườn trà trên núi. Tôi hỏi người dân sống quanh khu vực, và được biết đó là vườn trà của nhà ông Lâm. Tôi nghi ngờ năm người nước ngoài đó là lao động bất hợp pháp. Xin chờ chỉ thị của đồn trưởng.

Có phải hai người là nam giới và ba người là nữ giới, tuổi từ hai mươi đến ba mươi không? – Vị đồn trưởng chậm rãi uống một hớp trà, rồi hỏi.

Thưa, vâng. Đồn trưởng biết họ? – Cậu cảnh sát trẻ không giấu được vẻ ngạc nhiên.

Hai người nam giới, một người tên Bình, còn người kia tên hùng. Họ đều là lao động bỏ trốn người Việt Nam. Đầu năm 2018, họ mang giấy tờ đất của gia đình đi thế chấp để vay tiền ngân hàng. Sau khi đóng một khoản tiền lệ phí cho công ty môi giới, họ đã qua Đài Loan làm việc theo con đường xuất khẩu lao động, nhưng họ đã không gặp được may mắn. Công ty của họ tuyên bố phá sản chỉ sáu tháng sau đó. Họ sợ bị trục xuất về nước, nên đã trốn lên đây làm việc được hơn tám tháng rồi. Còn cái cô gái gầy gầy bé bé tên là Yến, cũng là lao động bất hợp pháp người Việt. Chồng cô ấy là một di công, bị tai nạn chết trong lúc làm việc, cách đây chưa đầy một năm. Cô ấy gửi con trai cho ông bà ngoại chăm sóc và đi cùng môi giới qua Đài Loan để làm thủ tục nhân tro hài cốt của chồng. Sau đó, cô ấy nhận được sự giúp đỡ của một người Việt Nam, là đồng nghiệp của người chồng quá cố, nên cô ấy đã mang theo bình đựng tro hài cốt của và trốn lên đây làm việc. Còn hai cô gái có cặp mắt to tròn còn lại, học là những người giúp việc nhà đến từ Indonesia, một cô tên là Santi, cô còn lại trên là Cipta. Họ đềi là những nạn nhân bị chủ thuê ngược đãi. Do quá sức chịu đựng, nên họ mới phải bỏ trốn lên đây. Hoàn cảnh của họ cũng bi đát chẳng kém gì những người kể trên đâu.

Ngừng một lát, vị đồn trưởng già nói tiếp:

Nếu trong trường hợp không có người tới đây báo án, hãy cứ để họ được yên ổn làm việc ở đó. Họ kiếm tiền bằng sức lao động chứ đâu phải ăn cướp.

Nói rồi, vị đồn trưởng già đưa cuốn sách còn đọc dở hồi nãy cho cậu cảnh sát trẻ.

Cậu đọc cuốn sách này đi. Đọc xong thì đem trả lại cho tôi. Tôi tuy chưa đọc xong, nhưng những gì viết về họ thì tôi đã được ông chủ Lâm kể cho nghe từ hơn bốn tháng trước. Lần đó, tôi đưa người lên để khám xét và bắt năm người họ. Cuốn sách này, ông Lâm mới đem tặng tôi vào sáng nay. Nhớ đọc bài “Những Chiếc Bình Vỡ Nơi Đảo Ngọc” trước nhé!

Vâng, thưa đồn trưởng.

Cậu cảnh sát trẻ lại chập gót chân đánh “cộp” một tiếng xuống sàn nhà, và đặt tay lên trán chào một cách chuẩn mực. Rồi cậu ta cầm cuốn sách lên xem: “Giải thưởng Văn học dành cho Di dân Di công lần thứ VI”.

***

Báo cáo đồn trưởng! – cỡ nửa tiếng đồng hồ sau, cậu cảnh sát trẻ lại tìm đến vị đồn trưởng già. Tất nhiên việc chập gót và đưa tay lên trán của cậu ta là không thể thiếu.

Có việc gì không? – vị đồng trưởng già ngước mắt lên nhìn cậu ta.

Thưa đồn trưởng, tôi muốn được xin phép đi ra ngoài trong vòng ba mươi phút.

Để làm gì?

Mua một chiếc máy bay điều khiển từ xa, và một con gấu bông. – cậu ta trả lời.

Để đem tặng cho cô gái lao động bất hợp pháp người Việt Nam và cô Cipta người Indonesia? Để họ gửi về làm quà cho những đứa con của họ?

Vâng, thưa đồn trưởng.

Đó là một ý tưởng tuyệt vời. – vị đồn trưởng già mỉm cười, tự tay rót một chén trả rồi đẩy đến trước mặt cậu cảnh sát trẻ. – nhưng tôi rất tiếc phải nói với cậu rằng, tôi đã làm điều đó cách đây bốn tháng. Nhưng chén trà này là sự ngưỡng mộ của tôi dành cho ý tưởng tuyệt vời của cậu.

 

Phát thanh viên

Phản hồi liên quan