Chủ quán ăn Hồi giáo: từ việc cầu kinh tới việc chuẩn bị các loại thịt đều phải quay mặt về phía Thánh đường Mecca
Trong bảng xếp hạng “Chỉ số du lịch cho người Hồi giáo trên toàn cầu” (GMTI), 2 năm liên tiếp, 2021 và 2022, Đài Loan đều được xếp thứ 2 trên toàn cầu. Điều này đã chứng minh, Đài Loan là một đất nước thân thiện với người Hồi giáo, cũng chính vì thế, mà các quán ăn Hồi giáo ở Đài Loan càng ngày càng nhiều. Các quán ăn Hồi giáo phải có chứng nhận Halal, người phụ trách cũng như quá trình giết mổ đều phải nhất nhất tuân theo quy định, thậm chí, khi giết mổ, phải một dao là giết chết con vật, nhằm giảm sự đau đớn trước khi chết cho con vật.
Tờ báo “Báo tuổi teen” đã làm một số phỏng vấn chuyên đề với hai cặp vợ chồng mở quán ăn cho người Hồi giáo tại Đài Loan, nhằm giới thiệu cho mọi người biết đến văn hóa ăn uống đặc biệt của người Hồi giáo cũng như biết thêm về việc các quán ăn Hồi giáo tại Đài Loan sẽ hoạt động thế nào trong tháng Ramadan - khi mà những người theo đạo Hồi phải nhịn ăn vào ban ngày.
Mã Nhân Vĩ, 58 tuổi, người Myanmar gốc Hoa và người vợ cùng tuổi tên là Chu Vân Cúc, một người Thái Lan gốc Hoa đang sở hữu một nhà hàng rất nổi tiếng, chuyên bán đồ ăn miền bắc Thái Lan dành riêng cho người Hồi giáo, và đã từng tiếp đón nhiều chính khách cũng như doanh nhân theo đạo Hồi đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Ả Rập, Malaysia, Indonesia v.v… Nhà hàng này cũng là nguyên do khiến hai vợ chồng chọn Đài Loan là quê hương thứ hai.
Một cặp vợ chồng nữa cũng đang kinh doanh quán ăn dành cho người Hồi giáo là anh Ali, quốc tịch Pakistan, định cư ở Đài Loan từ năm 2016, sau khi kết hôn với vợ người Đài Loan tên là Lý Bái Hoa thì mở 1 quán curry Ấn Độ với diện tích vẻn vẹn khoảng từ 6 tới 10m². Sau khi có quán ăn của riêng mình, hai năm trước anh chị đã lấy được giấy chứng nhận Halal, đây cũng là quán ăn có chứng nhận Halal đầu tiên của thành phố Cơ Long (một thành phố phía đông bắc của Đài Bắc).
Khi nhắc tới mối quan hệ với người Đài Loan, cả Mã Nhân Vĩ và Ali đều khẳng định, người Đài Loan rất thân thiện. Ali chia sẻ, có hôm, khách người Đài Loan đến quán đúng lúc đang phải làm lễ cầu kinh, nhưng mọi người đều vui vẻ chờ 3, 5 phút, chính vì cảm nhận được thái độ cảm thông này nên anh rất thích nói chuyện với người Đài Loan, “hơn nữa, văn hóa của Đài Loan rất đa dạng, các tín ngưỡng đều nhận được sự tôn trọng đáng có ở nơi đây”.
Các nguyên liệu chế biến món ăn phải thông qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, giết mổ các con vật cũng được yêu cầu thảm thiểu đau đớn
Có một điều thú vị là, khi tới quán ăn người Hồi giáo, câu hỏi đầu tiên mà khách Đài Loan luôn hỏi đó là: “Điểm đặc sắc trong ẩm thực của người Hồi giáo là gì?”. Chu Vân Cúc vừa cười vừa chia sẻ, ẩm thực của người Hồi giáo không có các món ăn hay cách nấu chuyên biệt, ví dụ quán ăn của anh chị chuyên bán các món ăn miền bắc Thái Lan, hương vị không có gì thay đổi, chỉ là các nguyên liệu chế biến cũng như các loại thịt phải được kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Hiện nay, ở Đài Loan càng ngày càng có nhiều người kinh doanh thực phẩm đầu tư để nhận được chứng nhận Halal.
Halal trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “được cho phép”, “hợp pháp”, cũng là để chỉ các sản phẩm mà từ nguyên liệu, chu trình chế biến, chất lượng đều phù hợp tiêu chuẩn của luật Sharia. Ở các nước có nhiều người Hồi giáo sinh sống, các loại thịt như gà, bò, dê sẽ được cung cấp bởi các lò mổ chuyên biệt. Nhưng ở Đài Loan, do số người Hồi giáo chỉ chiếm phần nhỏ, nên để đáp ứng nhu cầu ăn uống của mọi người, trong thời kỳ đầu, chủ yếu là do đàn ông Hồi giáo trong cộng đồng phụ trách giết mổ, đến nay, đã có các công ty thực phẩm với giấy chứng nhận Halal cung cấp.
Anh Mã Nhân Vĩ chia sẻ, tất cả các loại thịt được sử dụng trong quán ăn dành cho người Hồi giáo phải được chứng nhận Halal, quá trình xử lý phải đáp ứng được các yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt, bắt buộc phải có hai người đàn ông Hồi giáo, đứng quay mặt về phía tây, dùng 1 dao kết thúc sinh mệnh của con vật sao cho chỉ sau 2 tới 3 giây là con vật tắt thở, nhằm giảm sự đau đớn trước khi chết, đồng thời phải bỏ toàn bộ phần tiết của con vật. Các loại thịt không được phép có khiếm khuyết, cũng không được phép giết mổ những con vật đang bị ốm.
————————————
Trạm sạc tin tức
Tại sao khi người Hồi giáo giết mổ các con vật, hay khi cầu kinh, đều phải quay mặt về phía tây?
Mã Nhân Vĩ, ông chủ quán ăn Hồi giáo giải thích rằng, ngoài việc giết mổ các con vật, thì tất cả người Hồi giáo trên thế giới đều phải quay mặt về Thánh địa Macca khi cầu nguyện (Kaaba là nơi cầu nguyện trên thiên đường), với vị trí địa lý của Đài Loan cũng như các nước Đông Nam Á, thì chính là hướng tây.
Điện thoại của người Hồi giáo đều cài app có tên Kaaba, khi đặt chân tới một quốc gia, chỉ cần mở app này ra là biết mình cần phải quay về hướng nào khi cầu nguyện.
Các nguyên liệu chế biến món ăn khác của quán ăn Hồi giáo có thể dùng các loại thực phẩm được chứng nhận Halal bởi các quốc gia khác nhau, ví dụ như Thái Lan nhập khẩu các thực phẩm Halal. Còn ở Đài Loan, hiện nay đã bắt đầu xuất hiện các nhà cung cấp thực phẩm có chứng nhận Halal, việc nhập các nguyên vật liệu cho quán ăn ngày càng thuận tiện, đương nhiên là giá thì cũng tương đối cao. Không chỉ thế, nhà vệ sinh của quán ăn Hồi giáo cũng phải có thiết bị vệ sinh phù hợp, bởi người Hồi giáo sau khi đi vệ sinh sẽ dùng nước để rửa chứ không chỉ đơn thuần dùng giấy vệ sinh để lau.
Nhiều quan chức cấp cao người Hồi giáo tới Đài Loan chấp nhận không ăn tại các khách sạn cao cấp mà lựa chọn đến các quán ăn có chứng nhận Halal của người Hồi giáo, “tới các khách sạn cao cấp, họ không dám động đũa”, anh Mã Nhân Vĩ nói, “Chúng tôi vô cùng sùng bái tôn giáo của mình, khách hàng Hồi giáo bước chân vào quán đều có thể yên tâm dùng bữa”.
Tháng chay Ramadan vẫn mở cửa như bình thường, nhưng trong lòng thì cầu xin sự tha thứ
Đối với tháng chay Ramadan diễn ra mỗi năm một lần trong đạo Hồi, ban ngày không được phép ăn, vậy thì quán ăn có mở cửa kinh doanh như bình thường được không?
Mỗi sáng trong tháng chay Ramadan năm nay, Ali đều mở cửa quán curry Ấn Độ của mình đúng giờ, đón các thực khách như bình thường. Điều khác biệt duy nhất là, trước khi mặt trời mọc, thì anh đều uống một cốc sữa tươi thêm nước hoa quả để có thể đủ sức cáng đáng công việc bận rộn cả ngày ở quán ăn cũng như việc nhịn ăn cả ngày.
Ở các nước Hồi giáo, vào tháng chay Ramadan, phần lớn các nhà hàng, quán ăn đầu đóng cửa, nhưng ở Đài Loan, các quán ăn Hồi giáo còn phục vụ cả những đối tượng khách hàng không phải là người Hồi giáo nữa, cho nên, tuy trong tháng chay nhưng vẫn mở quán như bình thường. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi việc phải xử lý một số trường hợp bất bình thường.
Ali cũng bổ sung: “Tuân thủ tháng Ramadan là trách nhiệm đối với Thánh Allah (Allah là cách gọi Thánh trong tiếng Ả Rập, cũng để chỉ Thần tạo ra vạn vật), tất cả mọi thứ đều phải thành tâm”. Ở các quốc gia Hồi giáo mà Ali từng sinh sống, tới tháng Ramadan, mỗi người đều phải trai giới, làm theo tập thể, cho dù có người đói đến mức không chịu được, cơ thể có vấn đề thì cũng phải trốn vào chỗ riêng để ăn uống, không được để người khác hay cảnh sát nhìn thấy. Nhưng ở Đài Loan, người Hồi giáo thuộc số ít, “nên khi trai giới, cũng phải phù hợp với hoàn cảnh nơi đây”.
Từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn, vừa phải làm việc, lại không được ăn uống, như thế này thì cơ thể có chịu đựng được không? Nghe thấy câu hỏi này, Ali trả lời một cách cẩn trọng, nhất định phải tuân thủ trai giới, tuy vậy, do cả ngày phải thường xuyên chạy ra chạy vào đón các đoàn khách, rồi còn phải đứng cạnh bếp để nướng bánh, nướng thịt, mồ hôi ướt đẫm người, nên tới cuối ngày thường rất mệt. Khi cơ thể bất ổn, chóng mặt, “thì sẽ cầu nguyện, mong được tha thứ”, rồi vội uống nước hoặc bổ sung năng lượng, “chờ tháng Ramadan kết thúc, thì sẽ bù lại bằng cách hành lễ, hoặc trai giới”.
Sau cả một ngày, tới lúc mặt trời lặn, Ali và vợ, Lý Bái Hoa vội ăn quả chà là để bổ sung năng lượng cho cơ thể.
Tuy bị tiểu đường, những khi đang bận, vô tình uống nước thôi cũng thấy tội lỗi
Mã Nhân Vĩ bị bệnh tiểu đường, nên tháng Ramadan là một thách thức lớn với anh.
“Mấy ngày đầu của tháng Ramadan thường không dễ thích nghi”, anh Mã Nhân Vĩ thừa nhận, ví dụ buổi trưa bận rộn làm việc trong bếp, chỉ quay người cái là quên mất bản thân đang phải trai giới, rồi vô tình cầm nước lên uống, “tôi sẽ cầu nguyện Đức Thánh tha tội cho mình, bởi vì tôi hoàn toàn không có chủ đích mà chỉ làm theo vô thức”.
Ngày 23 tháng 3, ngày trai giới đầu tiên kết thúc, sau 6h11 phút chiều, chị Chu Vân Cúc đã chuẩn bị một chút bún, khi hai vợ chồng chuẩn bị khai giới, thì vừa hay có một đoàn khách vào quán, thế là anh Mã Nhân Vĩ đành tranh thủ uống miếng nước, ăn một quả chà là rồi vội vàng giới thiệu các món trong quán cho khách.
“Bạn sẽ thấy tôi hơi cáu kỉnh một chút”, bởi đây là ngày đầu tiên trong tháng Ramadan, sau bữa sáng lúc 3h sáng thì phải nhịn ăn, nhịn uống cho tới tận tối mịt, “vừa đói vừa mệt, đường huyết thấp, nên tâm trạng cũng bị ảnh hưởng theo”.
Tranh thủ lúc rảnh, Mã Nhân Vĩ vừa ăn bún vừa nói: “Từ nhỏ cho đến giờ, tôi rất ít khi phải dừng trai giới giữa chừng”. Nếu ngày hôm đó mở quán, thì phải đặt báo thức 3h sáng, tranh thủ ăn xong bữa sáng trước 4h20 phút, trước khi trời bắt đầu sáng, rồi sau đó trai giới tới 6h10 phút chiều, tới 21h30 tối là phải đi ngủ để chuẩn bị sức lực cho ngày hôm sau.
5 cột trụ của Hồi giáo: tuyên xưng Đức tin, cầu nguyện, bố thí, nhịn ăn, hành hương
Những năm đầu khi Mã Nhân Vĩ mới bị bệnh tiểu đường, vợ của anh, chị Chu Vân Cúc rất lo lắng, bởi bình thường, nếu nhịn đói lâu quá thì chồng mình sẽ bị run lẩy bẩy cả người, nhưng tháng Ramadan hằng năm, dù quán ăn có bận đến đâu thì tình hình của anh đều rất tốt, “chắc là nhờ vào Đức tin”, may mà chưa từng xảy ra vấn đề gì vào tháng Ramadan, có điều, mỗi khi bận rộn, “chỉ cần không nhìn thấy chồng là tôi sẽ gọi anh ấy, để chắc chắn rằng anh ấy không ngất xỉu”.
Anh Mã Nhân Vĩ cũng biết tình hình sức khỏe của mình, nên buổi sáng khi bắt đầu trai giới và buổi tối sau khi kết thúc trai giới, đều tiêm thêm insulin. Trừ phi cơ thể cảm thấy không ổn, phải tới bệnh viện tiêm thuốc chữa trị, còn đâu thì sẽ kiên trì thực hiện trai giới, “nếu truyền nước thì sẽ không được tính là tuân thủ trai giới”.
Từ lúc 6 tuổi, Mã Nhân Vĩ đã bắt đầu luyện trai giới cùng bố mẹ, nếu không có trường hợp bất khả kháng xảy ra, thì anh luôn hy vọng mình sẽ làm được. Còn với vợ anh, chị Chu Vân Cúc, thì từ năm 9 tuổi đã được bố mẹ dạy rằng, “hãy tự nhủ thầm trong lòng, để cho tâm trí mình tĩnh lại thì mới hoàn thành việc trai giới được”.
Ngoài trai giới, thì việc cầu nguyện không không được có thiếu sót. Mã Nhân Vĩ nói, anh dùng tầng hầm của quán ăn để làm thành một chỗ cầu nguyện có mặt chính quay về hướng tây, không chỉ vợ chồng anh, mà có khi, các thực khách Hồi giáo cũng xuống cầu nguyện cùng.
Do một ngày phải cầu nguyện 5 lần, trừ buổi sáng và tối, những lúc khác thì thời gian cầu nguyện chính là lúc phải làm việc trong quán, Mã Nhân Vĩ nói rằng, 6h chiều, sau khi khai giới cũng có 1 lần cầu nguyện, phải tịnh thân rồi mới được cầu nguyện, nhưng nếu lúc đó có khách tới ăn, thì sẽ chờ về tới nhà rồi cầu nguyện bù lại.
Việc cầu nguyện vô cùng quan trọng với người Hồi giáo, Mã Nhân Vĩ nói một cách thận trọng, trong Kinh Qur’an có viết, là một người Hồi giáo, cả cuộc đời phải ghi nhớ 5 cột trụ: niệm, lễ, trai, khóa, triêu, trong đó: lễ là cầu nguyện, niệm là tuyên xưng Đức tin, trai là trai giới mỗi năm một lần vào tháng Ramadan, khóa là bố thí, giúp đỡ cho những người cần, triêu là hành hương tới Thánh địa Mecca một lần trong đời. Đối với người Hồi giáo, 5 cột trụ này là không thể thiếu.
Thu Hà