Vương Kiến Dân hiện đang là huấn luyện viên cho cầu thủ ném bóng của đội Huynh đệ Trung tín, nhìn lại sự nghiệp bóng chày của mình từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, không có tài năng bẩm sinh nào, nhưng sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã tạo nên Vương Kiến Dân của ngày hôm nay(Ảnh: Trần Hiểu Uy)
Tuổi 14 của tôi - Vương Kiến Dân - cú ném bóng chày theo đường parabol và sự đột phá sau này
Tuy năm 25 tuổi, tôi đã giành danh hiệu cầu thủ ném bóng xuất sắc đầu tiên của mình ở trong giải đấu đại liên minh bóng chày chuyên nghiệp của Mỹ (Major League Baseball, MLB) và cũng đã tham dự 9 mùa giải MLB, đồng thời nhận danh hiệu vận động viên ném bóng 68 lần. Nhưng, có thể rất nhiều người không tin rằng, năm tôi 14 tuổi đã ném quả bóng chày đầu tiên theo đường parabol, ném đi ném lại mãi mà vẫn không được, thành thử lúc đó, tôi còn không được xếp hạng trong những tay ném bóng của đội, chỉ đành ngồi ngoài dõi theo những cú ném đầy uy lực của đàn em - Quách Hồng Chí, và tất nhiên, cơ hội được vào sân của tôi là vô cùng ít.
Nửa đầu mùa giải tranh quán quân của giải đấu bóng chày chuyên nghiệp Trung Hoa năm 2023, đội bóng “Huynh đệ Trung Tín” đã chuyển tôi từ đội dự bị lên đội chính thức. Tuy vẫn là huấn luyện viên cho vận động viên ném bóng, nhưng nội dung công việc có sự thay đổi lớn, vốn dĩ huấn luyện và bồi dưỡng cho các vận động viên ném bóng trẻ, nay phải đứng ra gánh vác việc tính toán chiến thuật khi thi đấu chính thức, đồng thời còn phải chịu rất nhiều áp lực về thành tích, bởi vậy thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng bị ảnh hưởng theo. Đối với tôi mà nói, đây là một thử thách mới, nhưng học tập không bao giờ khiến tôi mệt mỏi, mà ngược lại, dạo này, tôi còn đang bận lo nghĩ về một chuyện khác.
Hè năm nay, con trai cả của tôi sẽ tốt nghiệp THCS ở Mỹ. Tôi và vợ vốn dự định đưa con về Đài Loan học trường quốc tế Mỹ, rồi đến khi vào đại học mới tới tính tiếp xem có nên đi Mỹ học tiếp hay không. Nhưng thằng bé lại bảo với mẹ là muốn học THPT ở Mỹ, rồi tiếp tục chơi bóng chày. Vợ chồng tôi đều cố gắng để cho các con được làm những gì mình thích, tất nhiên là sẽ trợ giúp chúng khi cần phải ra quyết định.
Nhìn con trai chuẩn bị lên cấp ba, tôi hay nghĩ tới những việc mình đã làm vào tuổi này. Tôi và con lớn lên trong hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, văn hóa học tập cũng như đánh bóng chày ở Đài Loan và ở Mỹ cũng không giống nhau, nhưng tôi nghĩ, dù ở thời đại nào đi chăng nữa thì điều đầu tiên, bản thân chúng ta luôn phải hiểu rõ mình muốn gì.
Tôi ở thời THCS, lúc nào cũng xếp sau đàn em - Quách Hồng Chí
Thú thật là, con đường vận động viên bóng chày của tôi không được êm xuôi cho lắm. Ý của tôi không phải chỉ quãng thời gian sau khi thi đấu cho giải đấu đại liên minh, do chân và vai bị thương nên đành phải dành rất nhiều thời gian để hồi phục, từ đó phải quay lại thi đấu cho giải đấu tiểu liên minh trong nhiều năm liền, điều mà gần như ai cũng biết. Cái mà tôi muốn nói đến ở đây là giai đoạn sau khi tôi học cấp 2, khoảng từ 12 tới 15 tuổi, lúc đó, tôi chỉ là một vận động viên bóng chày vô cùng bình thường.
Từ hồi tiểu học, tôi đã là vận động viên ném bóng chày, cảm giác khi ném bóng của tôi rất tốt nên đã tạo dựng được một nền móng vững chắc. Nhưng sau khi lên cấp 2, bóng dùng khi thi đấu được đổi từ loại bóng mềm sang loại bóng cứng. Lúc đó, tôi phát hiện mình dù có ném thế nào đi chăng nữa cũng chỉ toàn là những cú ném nhẹ hều theo đường parabol, chẳng có chút uy lực nào, bởi thế mà tôi là tay ném bóng không hề có chút tên tuổi trong đội bóng. Khi tôi lên lớp 8, thì Quánh Hồng Chí - một học sinh lớp 7 đã ném tốt hơn tôi - người đàn anh này rất nhiều, và là tay ném bóng được trọng dụng nhất đội.
Sau khi lên học THPT thì tôi mới thực sự trở thành một tay ném bóng giỏi. Vì đã luyện ném bóng rất nhiều, nên sau khi lên cấp 3, sức mạnh và sự phối hợp đôi tay của tôi dần tốt lên, thêm vào đó là những buổi huấn luyện buổi tối dành cho học sinh cấp 3, đàn anh thì càng phải luyện tập nhiều hơn nên những đứa đàn em như chúng tôi phải ném bóng cho các bậc đàn anh đánh, bữa nào cũng phải ném hai sọt bóng mới thôi. Các anh khóa trên nhiều lúc cứ hét giục: “Ném nhanh lên! Ném nhanh lên!”, thành ra từ khi đó lực ném bóng của tôi càng ngày càng tốt lên.
Đặt giải đấu Đại liên minh bóng chày chuyên nghiệp Trung Hoa làm mục tiêu, luyện tập tới mức chân tay mềm nhũn, phải dùng “mông” để bò lên cầu thang
Khi tôi học trường tiểu học Sùng Học ở thành phố Đài Nam, do bản thân khá cao nên tôi gia nhập vào đội bóng rổ đầu tiên. Tôi vẫn nhớ năm lớp 4, có một lần chơi trên sân bóng rổ, huấn luyện viên bóng rổ kiêm bóng chày đã hỏi tôi có muốn đổi sang chơi bóng chày không. Không ngờ sau khi gia nhập đội bóng chày lại chơi cho đến tận bây giờ. Rồi sau đó, khi lên học cấp 2 ở trường THCS Kiến Hưng, hiển nhiên là tôi vẫn tiếp tục chơi bóng chày.
Hồi đó, ngày nào tôi cũng đạp xe từ nhà ở khu phía đông của thành phố tới trường, học tới trưa lại đạp xe từ trường tới sân bóng chày của thành phố Đài Nam để tập luyện. Khi đó, Đại liên minh bóng chày chuyên nghiệp Trung Hoa mới thành lập được vài năm, khi không có trận thi đấu của giải đấu này thì chúng tôi mới được luyện tập ở sân bóng chày của thành phố, còn nếu có thì phải luyện ở trường.
Việc nhặt bóng cho các trận đấu bóng chày ở Đài Nam đều do thành viên đội bóng trường Kiến Hưng của chúng tôi đảm nhận, nên sau khi luyện tập, chúng tôi tới sân bóng chày của thành phố, đảm nhận việc nhặt bóng, nhặt gậy trong các trận đấu chuyên nghiệp. Hồi đó, chúng tôi thường xuyên thấy các “senpai”(đàn anh, cách gọi trong tiếng Nhật) tập luyện, thi đấu, cảm giác lúc đó thật tuyệt vời. Cái lợi của việc làm người nhặt bóng không chỉ có thế. Các “senpai” đối xử rất tốt với chúng tôi, có lúc còn cho chúng tôi những cây gậy đánh bóng chày đã bị gãy. Lúc mang về nhà, bọn tôi chỉ cần lấy đinh đóng vào chỗ gãy, rồi dùng băng dính quấn lại là lại dùng tiếp được.
Tuy sau này trưởng thành, tôi có rất nhiều cơ hội tham dự các trận đấu trong khuôn khổ giải đại liên minh bóng chày chuyên nghiệp của Mỹ, nhưng khi mới lên cấp 2, mục tiêu vào thời điểm đó của tôi chỉ là trở thành tuyển thủ của giải đại liên minh Trung Hoa. Tôi vẫn nhớ hồi đó hay được xem đội Thống Nhất Sư thi đấu ở sân bóng chày Đài Nam, mà ấn tượng nhất là Vương Hán - Jose Nunez. Tôi biết bây giờ có nhiều người hâm mộ trẻ tuổi nói rằng anh ấy là “thần thú thượng cổ” (quái vật được phong thần ở thời cổ đại), nhưng đối với tôi mà nói, Vương Hán chính là tay ném bóng siêu hạng đầu tiên mà tôi thấy. Chỉ trong năm đầu tiên, anh ấy đã giành được 22 danh hiệu ném bóng, và vào năm tôi 14 tuổi, khoảnh khắc tranh đấu quyết liệt giữa anh ấy và cầu thủ Trần Nghĩa Tín của đội Huynh Đệ Tượng (nay đổi tên là “Huynh đệ Trung Tín”) khiến cho tất cả người xem không thể nào quên được.
Dù lúc đó tôi vẫn còn nhỏ, nhưng vẫn có thể cảm nhận thấy cách ném bóng của Vương Hán khiến người xem thấy rất dễ chịu, có thể giải quyết được tay đánh bóng của đội bạn một cách dễ dàng, và cũng tạo ra được rất nhiều những cú knockout. Tốc độ của quả bóng mà anh ấy ném là cực nhanh, còn những cú bóng trượt - slider thì thường xuyên khiến tay đánh bóng vung gậy đánh trượt, tuy giỏi là vậy nhưng nhìn cách anh đánh thì lại vô cùng thong dong, cứ như là đang đùa với người ta vậy.
Nếu không có trận thi đấu quan trọng, thì chúng tôi thường luyện 5 tới 6 ngày mỗi tuần, còn nếu vào giải đấu thì việc luyện tập sẽ nhiều hơn rất nhiều, điều này khiến tôi có lúc thấy sao mà vất vả thế. Từ khi lên cấp 2, tôi đã hạ quyết tâm sẽ chơi bóng chày đến cùng, nên bố mẹ cũng dần quen. Nhớ hồi tiểu học, khi mới vào đội bóng chày, luyện tập cường độ cao đến mức về đến nhà là mệt muốn hết hơi, chân thì run lẩy bẩy không leo nổi cầu thang, đành phải ngồi xuống rồi nhấc mông lên từng bậc một. Bố mẹ thấy tôi vất vả quá còn hỏi, hay là không chơi bóng nữa, nhưng tôi chỉ thích chơi bóng chày mà thôi. Khi còn nhỏ, lúc vất vả nhất mà tôi cũng vượt qua được, thì khi đến cấp 2, mọi thứ chỉ là chuyện nhỏ.
Và một nguyên nhân nữa khiến tôi kiên quyết chơi bóng chày đó là, tôi không thích học văn hóa. Từ tiểu học, sau giờ nghỉ trưa là phải tập bóng, cho nên tôi chẳng bao giờ ở trong lớp, đến khi lên cấp 2, thì cũng chỉ ở trong phòng học từ sáng tới trưa, còn đâu thì tôi thích ở bên ngoài đánh bóng cùng bạn bè hơn.
Khi học cấp 2, thành viên đội bóng đều học chung 1 lớp, ngoài ra, trường còn có 1 lớp dạy nghề nữa - lớp nấu ăn. Học sinh của 2 lớp này đều không thích học văn hóa, tôi cũng thế, tới lúc kiểm tra mới đọc lướt qua trọng tâm, rồi thi qua với điểm số vừa đạt mức - 60 điểm. Nhưng tôi vẫn được tính là ngoan, vì tuy không thích học, nhưng tôi vẫn ngồi yên trong lớp để nghe giảng, chứ nhiều bạn khác còn mang truyện tranh hoặc làm việc riêng trong lớp cơ.
Làm việc mình nên làm, cuộc đời sẽ dần tiến lên phía trước
Vì bố mẹ tôi phải nỗ lực làm việc lắm thì mới có để cho tôi tiếp tục đi học, nhưng nếu đánh bóng chày thì sẽ có học bổng, và tôi có thể tiếp tục con đường học tập của mình thông qua việc chơi bóng chày. Bây giờ, hoàn cảnh đã thay đổi, khi huấn luyện cho các cầu thủ trẻ là phải huấn luyện cả hai bề, bóng phải đánh cho tốt, mà việc học cũng không được lơ là. Đừng nói rằng mình chỉ biết đánh bóng, nhỡ hết tuổi chơi bóng rồi mà không có lựa chọn nghề nghiệp nào khác thì làm thế nào? Cho nên, cố học càng nhiều càng tốt, học văn hóa tốt hơn một chút thì các bạn trẻ sẽ biết nghĩ cho tương lai sau này hơn.
Như con trai cả của tôi đang ở giai đoạn THCS, dù là thành tích thi đấu hay học văn hóa thì cũng phải chịu nhiều áp lực. Chúng tôi nói với con, con muốn học thì cứ học, dù không được điểm A+ nhưng mỗi thứ học một tí cũng là tốt lắm rồi.
Môi trường học tập của con tôi không giống các bạn nhỏ ở Đài Loan lắm. Ở Đài Loan, tan học là phải đi tới các lớp học thêm, nhưng ở Mỹ, học sinh phải tự mình làm bài tập. Tôi thường nói với con, con hạnh phúc hơn các bạn nhỏ ở Đài Loan nhiều lắm, các bạn ấy tới 9, 10h tối mới về đến nhà, còn con thì 3h chiều đã được về nhà rồi, cho nên con cần phải sắp xếp thời gian để làm cho hết những việc mình cần làm.
Thằng bé muốn đi theo con đường bóng chày, năm ngoái cũng đã được tuyển khi thi vào đội bóng chày của trường. Vợ chồng tôi đều ủng hộ quyết định của con, nhưng cũng giao hẹn, bài tập trên lớp phải nộp đúng hạn, làm tốt những gì cần làm thì mới được chơi bóng chày. Vì thế, để được tiếp tục chơi bóng, cháu đều nỗ lực hoàn thành bài tập của mình.
Có lúc tôi thầm nghĩ, mình có đôi chút ngưỡng mộ con mình. Bởi vì từ góc nhìn của tôi, những lựa chọn được phép chọn trong độ tuổi này của cháu nhiều hơn tôi hồi bé rất nhiều, ít nhất là về việc tiếp thu thông tin, dễ hơn ngày xưa rất nhiều. Đám chúng tôi chỉ biết đánh bóng chày từ bé đến lớn, con đường cho tương lai thật ra rất hạn hẹp, những người được là tuyển thủ chuyên nghiệp lại càng ít, những cơ hội nghề nghiệp liên quan tới bóng chày cũng không nhiều. Bản thân tôi có thể được coi là khá may mắn thì mới có thể đi đến được vị trí như bây giờ.
Bây giờ nhớ lại, lúc tôi 14 tuổi, ở cái tuổi còn đang khám phá và học tập, cũng ngu ngơ không biết gì. Ở trường thì lên lớp, tuy không thích học văn hóa, nhưng ít nhất thì đều thi qua các môn; còn khi ở trong đội bóng thì vâng lời huấn luyện viên, bảo gì làm nấy, tuy lúc đó không được coi là thành viên xuất sắc, nhưng ít ra thì tôi cũng đã kiên trì theo đuổi đến cùng.
Chính vì kiên trì theo đuổi nên tuy không hiểu biết sự đời, nhưng cuộc đời tôi vẫn tiến lên phía trước từng chút một. Sau này, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nguyên tắc “làm việc nên làm” đã giúp tôi có thể giữ được sự lạc quan mỗi khi bản thân rơi vào bế tắc, và cũng nhờ vậy mà khi bị thương, phải tập luyện rất nhiều mới hồi phục được thì tôi vẫn cố nghĩ cách để có thể làm cho thật tốt.
Như năm 2016, tôi quay trở lại sân bóng, chơi cho đội Hoàng gia của thành phố Kansas (Mỹ), tham gia 38 trận đấu, giành được 6 danh hiệu vận động viên ném bóng. Mọi người thấy tôi giành được nhiều vinh quang, nhưng trên thực tế, tôi đã phải bỏ rất nhiều thời gian tập luyện để hồi phục sau chấn thương, không chỉ thế, còn phải luyện đi luyện lại rất nhiều lần. Năm đó, khi gần tới mùa thi đấu của đội Hoàng gia, tay của tôi vẫn còn hơi đau. Tuy sau 7 năm trời mới lại được đưa vào danh sách 25 người tham gia giải đấu liên minh, điều này khiến tôi vui mừng khôn xiết, nhưng lúc đó, tôi và một tay ném bóng nữa tên Dillon Gee đều được xếp vào ném thứ 6 sau người ném cú đầu tiên ở trong trận đấu. Có thể nói, trong số các tay ném bóng trong đội, thì thứ tự vào sân này được tính là hạng cuối, nếu biểu hiện không tốt thì sẽ bị đào thải bất cứ lúc nào. Dù thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi cũng vẫn phải tiếp tục, dồn hết những gì học được từ việc thi đấu bóng chày, từ đợt huấn luyện mùa xuân vào trong trận đấu và làm tốt hết mức có thể.
Mỗi người đều phải đi trên đoạn đường đó thì mới biết bản thân có thể đi đến đâu
Bây giờ nhớ lại, trong suốt quãng đường làm vận động viên ném bóng chày của mình, dù gặp phải tình huống thế nào thì tôi cũng luôn dùng thái độ này để đối mặt với nó, dù cho là năm 2005 bắt đầu được thi đấu trong giải đấu liên minh chuyên nghiệp hay là năm 2008 bị thương ở đùi trong lúc chạy tới ụ bóng và kể cả là trong giai đoạn đỉnh cao thi đấu cho đội Yankees của Mỹ cũng đều thế. Tuy phải đối mặt với nhiều loại áp lực: áp lực của sự nổi tiếng, áp lực khi bị cánh báo chí đeo đuổi lấy tin tức v.v… thì tôi vẫn làm mọi thứ theo nhịp điệu của mình, cách làm có thể vì ở trong giai đoạn khác nhau mà không giống nhau, nhưng thái độ của bản thân thì luôn như nhau. Thêm vào đó, việc đánh bóng chày ở nước ngoài không giống như ở Đài Loan, ra đường là bị mọi người nhận ra, nên cuộc sống ở Mỹ thoải mái hơn một chút.
Trước kia, tôi từng được mời tham gia một chương trình truyền hình, đến nhà của Kỳ Kỳ - đội trưởng đội cổ vũ của đội bóng chày Vị tuyền long để trò chuyện cùng gia đình và cậu em trai tên Tường Tường, tuy bị bại não nhưng rất thích bóng chày. Tường Tường hỏi thẳng tôi: “Bị thương năm 2008 trong khi chạy tới ụ bóng xong anh suy sụp luôn à?” Đúng vậy, nếu lần đó không bị thương thì tôi sẽ vẫn tiếp tục thi đấu cho đội Yankees, nhưng do chấn thương, nên tôi đã học được những điều rất đặc biệt, đó là cách điều chỉnh bản thân. Bây giờ, tôi có thể dùng cách này để dạy cho các tuyển thủ trẻ, như vậy thì các em sẽ không phải đi đường vòng nữa.
Trong 2 năm, 700 ngày hồi phục sau chấn thương, ngày nào tôi cũng luyện tập, cũng làm đi làm lại đúng một chuyện, điều này không chỉ khiến cơ thể đau đớn mà tinh thần cũng mệt mỏi, rất vất cả. Rồi một ngày, tôi nói với nhân viên y tế, “hôm nay không tập luyện được không?”, thì nhận được câu trả lời, “thế anh tự mình đi về nhà đi”. Nhưng hôm sau tôi lại ngoan ngoãn đến để tập hồi phục chức năng, bởi nếu không đột phá thì sẽ không có tiến bộ. Đặc biệt là trong thời gian chấn thương, có rất nhiều tiếng nói “không được đâu”, “đi về thôi” vang lên ở trong đầu tôi, nhưng tôi không chịu khuất phục, phải kiên cường đi tiếp thì mới có cơ hội được quay lại chơi cho giải bóng chày chuyên nghiệp. Nhờ kiên định đặt mục tiêu cho mình mà tôi mới có đủ dũng khí và quyết tâm để bước tiếp.
Mỗi người đều phải đi trên đoạn đường đó thì mới biết bản thân có thể đi đến đâu
Tuổi 14 có rất nhiều chuyện được quyết định bởi người lớn, tính tự giác cũng không cao. Nhưng ở tuổi này, các em nên đi học đủ mọi thứ, rồi xem xem mình thích cái gì, tìm ra con đường cho tương lai, chỉ cần mình học tập không ngừng nghỉ, học được cái mình muốn, thì tôi tin rằng các em sẽ có cơ hội thành công.
Điều tôi muốn nói với bản thân khi 14 tuổi …
Cậu vẫn đang chật vật vì luyện mãi mà không ném tốt được đúng không? Rõ ràng hồi bé có thể ném vừa thẳng vừa nhanh, mà khi lên cấp 2, chỉ có đổi sang dùng bóng cứng thôi mà ném thế nào đi chăng nữa thì bóng cũng mất đi sức bật ở giữa chừng, rơi xuống theo đường parabol…
Thật ra đây chỉ là một phần trong quãng đường trưởng thành, cậu mới có 14 tuổi thôi. Cơ bắp cũng như các yếu tố khác của cơ thể vẫn còn đang phát triển, hơn nữa, cậu cao hơn các bạn cùng đội, khá là “to con” nên phải mất nhiều thời gian hơn mọi người mới có thể luyện tốt sự phối hợp của cơ thể. Bây giờ chưa tốt không có nghĩa là sau này đều không tốt. Chỉ cần cậu thích bóng chày, muốn trở thành cầu thủ ném bóng thì phải tiếp tục cho đến cùng, tích lũy đủ sức lực, chờ đến khi động tác ném bóng có thể phối hợp ăn ý với cơ thể thì sẽ ném được cú bóng giúp cậu thêm tự tin.
Tiểu sử của Vương Kiến Dân
Năm sinh: Năm 1980, ra đời ngày 31 tháng 3 lại thôn Tân Phố, xã Quan Miếu, huyện Đài Nam (nay là phường Tân Phố, quận Quan Miếu, thành phố Đài Nam)
Thời kỳ chơi bóng chày khi còn là học sinh
Năm 1990, 10 tuổi: gia nhập đội bóng chày trường tiểu học Sùng Học, Đài Nam
Năm 1991, 11 tuổi: được tuyển vào đội Trung Hoa tham dự cuộc thi bóng chày mềm thế giới dành cho thiếu niên IBA - boys tổ chức lần thứ 9
Năm 1992, 12 tuổi: gia nhập đội bóng chày thanh thiếu niên trường THCS Kiến Hưng, Đài Nam
Năm 1995, 15 tuổi: gia nhập đội bóng chày thanh thiếu niên trường THCS Trung Hoa, Đài Bắc (do công ty TNHH kỹ thuật RSEA thành lập)
Năm 1998, 18 tuổi: gia nhập đội bóng chày học viện TDTT Đài Bắc
Thời kỳ tham gia giải đấu tiểu liên minh
Năm 2000, 20 tuổi: gia nhập đội bóng Yankees của New York với mức phí chuyển nhượng 2.010.000 USD, đồng thời được phân vào đội Staten Island Yankees - đội 1A của tiểu liên minh.
Năm 2004, 24 tuổi: thăng hạng lên 3A, rồi sau đó thành danh ở giải đấu của đại liên minh nhờ cú ném bóng sinker
Thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, thi đấu cho giải đấu đại liên minh
Năm 2005, 25 tuổi: được đội bóng Yankees New York trọng dụng, tiếp nối tuyển thủ Trần Kim Phong, Tào Cẩm Huy, trở thành 1 trong 3 tuyển thủ người Đài Loan được tham gia thi đấu cho giải đấu đại liên minh của Mỹ.
Năm 2006, 26 tuổi: tạo ra kỳ tích với việc là cầu thủ ném bóng duy nhất từ đầu tới cuối trận khiến đối phương không ghi được điểm nào, trở thành cầu thủ ném bóng người Châu Á thứ 8 trong lịch sử giải đại liên minh bóng chày chuyên nghiệp của Mỹ có thành tích này.
Năm 2007, 27 tuổi: lọt vào bảng xếp hạng “100 nhân vật có ảnh hưởng toàn cầu năm 2007 của tạp chí Time” trong hạng mục anh hùng và thần tượng, là người Đài Loan thứ 3 lọt vào danh sách này sau nguyên tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biền, đạo diễn Lý An. Liên tiếp tham gia 3 mùa giải của giải đấu đại liên minh, giành được 46 danh hiệu cầu thủ ném bóng, tương đương với kỷ lục dành cho cầu chủ ném bóng người Châu Á mà cầu thủ Chan Ho Park đến từ Hàn Quốc đã đạt được.
Năm 2008, 28 tuổi: một lần nữa lọt vào bảng xếp hạng “100 nhân vật có ảnh hưởng toàn cầu năm 2008 của tạp chí Time”, trở thành cầu thủ bóng chày lọt vào top 10 thanh niên có sức ảnh hưởng lớn của Đài Loan. Nhưng do bị chấn thương khi chạy tới ụ bóng, nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp bóng chày chày tại giải đấu đại liên minh.
Thời kỳ trỗi dậy lần hai
Năm 2009, 29 tuổi: tiến hành phẫu thuật nối dây chằng khớp vai, bắt đầu thời kỳ dài hồi sức sau chấn thương, không được đội bóng Yankees New York tiếp tục ký hợp đồng, trở thành cầu thủ tự do.
Năm 2011, 31 tuổi: khắc phục chấn thương, quay trở lại giải đấu đại liên minh, đại diện cho đội Washington Nationals, giành chiến thắng đầu tiên tại giải đấu đại liên minh sau 2 năm chấn thương.
Năm 2012, 32 tuổi: 3 lần liên tiếp ở trong danh sách cầu thủ bị thương, ảnh hưởng tới thành thích, không được đội Washington Nationals tiếp tục ký hợp đồng sau mùa giải.
Năm 2013, 33 tuổi: đại diện Đài Loan tham gia giải đấu bóng chày thế giới (WBC) tổ chức lần thứ 3, không để mất 1 điểm nào trong 6 hiệp liên tiếp khi thi đấu với đội Úc, Nhật Bản. Sau đó ký kết hợp đồng với đội Toronto Blue Jays, nhưng rồi lại trở thành cầu thủ tự do sau giải đấu.
Năm 2015, 35 tuổi: tham gia tập luyện tại Nông trại bóng chày Texas FBR trong 12 tuần, và đạt được thành tích nổi bật với tốc độ bay của bóng nhanh nhất là 153km/h.
Năm 2016, 36 tuổi: được đội Hoàng gia của thành phố Kansas (Mỹ) đưa vào danh sách 25 tuyển thủ tham gia mùa giải, quay trở lại giải đấu đại liên minh sau 959 ngày rời xa. Đánh thắng đội Washington Nationals, giành danh hiệu cầu thủ ném bóng sau 1.052 ngày kể từ lần cuối giành danh hiệu này, nhưng chỉ sau đó 4 tháng lại bị đội Hoàng gia sa thải.
Thời kỳ làm huấn luyện viên cho cầu thủ ném bóng
Năm 2018, 38 tuổi: trở về Đài Loan là huấn luyện viên khách mời cho tuyển thủ ném bóng đội dự bị trực thuộc đội bóng chày Fubon Angels
Năm 2019, 39 tuổi: lần đầu đảm nhiệm trọng trách huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, là huấn luyện viên cho nhóm cầu thủ ném bóng bullpen cho giải đấu 12 đội bóng chày mạnh nhất thế giới lần thứ 2
Năm 2020, 40 tuổi: đảm nhiệm vị trí huấn luyện viên khách mời cho đội dự bị thuộc đội Huynh đệ Trung tín
Năm 2021, 41 tuổi: chính thức trở thành huấn luyện viên cho cầu thủ ném bóng cho đội dự bị của đội Huynh đệ Trung tín
Năm 2023, 43 tuổi: đảm nhiệm huấn luyện viên bullpen cho đội tuyển quốc gia thi đấu trong giải đấu bóng chày thế giới WBC tổ thức lần thứ 5, rồi sau đó chuyển sang làm huấn luyện viên cầu thủ ném bóng cho đội chuyên nghiệp của đội bóng Huynh đệ Trung tín
Giới thiệu về chuyên đề “Tuổi 14 của tớ”
14 tuổi, đang học lớp 8, hay thường được gọi là giai đoạn dậy thì ngớ ngẩn, luôn hy vọng mình là độc nhất vô nhị, nhưng lại không đủ tự tin và kiên định, không chỉ cơ thể mà cả suy nghĩ đều nằm trong giai đoạn trẻ con đã qua mà người lớn thì chưa tới. Đây là giai đoạn giao nhau giữa sự trong sáng, ngây thơ của trẻ con và sự trưởng thành của người lớn, bước qua giai đoạn này, có khi sẽ thấy chân trời xán lạn, cũng có khi vẫn phủ đầy sương mù, không rõ lối đi, nhưng dù cho thế nào đi chăng nữa thì cũng đừng quá lo lắng nhé, đời người chẳng có con đường nào là tốt nhất cả. Chuyên mục này là dành cho tuổi 14 trong hiện tại, quá khứ, hoặc tương lai của bạn. Tất cả những người lớn xuất hiện trong chuyên mục này cũng đều đã từng có những cảm xúc như bạn hiện giờ.
Thu Hà