close
Rti Tiếng ViệtTải App RTI ngay
Mở
:::

Ep.11: Đưa đại diện học sinh tham gia cuộc họp hội đồng trường, cánh cửa dân chủ học đường đã thực sự mở ra chưa?

  • 16 October, 2023
Báo tuổi teen

Bắt đầu năm học mới này, khối trường tiểu học và THCS sẽ có một cải cách lớn, các quyết định quan trọng trong trường không chỉ được quyết định bởi hiệu trưởng hay các thầy cô giáo, mà theo “Luật Giáo dục Quốc dân” sửa đổi được Viện Lập pháp thông qua ngày 29 tháng 5 năm 2023 thì khối tiểu học và THCS sẽ có đại diện học sinh tham dự cuộc họp hội đồng trường, bắt đầu thực thi từ năm học mới tháng 9 năm 2023.

“Cuộc họp đội đồng trường” sẽ quyết định những việc gì trong trường? Sắp tới, theo luật thì đại biểu học sinh được phép dự thính, vậy các em và những thầy cô giáo tham gia cuộc họp thì có gì khác nhau không? “Báo tuổi teen” đã đi phỏng vấn các trường học, xem xem nhà trường và các bạn học sinh đã chuẩn bị xong chưa? Rốt cục thì quy định về quyền biểu đạt ý kiến của các bạn thiếu nhi Đài Loan được mở rộng trong phạm vi trường tiểu học và THCS sẽ có ý nghĩa gì, và các bạn học sinh sẽ học được gì từ điều này đây?

“Luật Giáo dục Quốc dân” hay còn gọi là “Quốc Giáo Luật”, từ khi được công bố năm 1979 đến nay, thì năm nay là lần đầu tiên được sửa đổi trên phạm vi rộng thế này. Bước tiến lớn nhất là từ năm học này, các cuộc họp hội đồng trong trường tiểu học và THCS đều phải “mời đại diện học sinh đến dự thính”, việc cho phép học sinh tham gia một cách dân chủ để quản lý trường đã được mở rộng tới khối tiểu học và THCS.

Cuộc họp hội đồng trường là gì? Dự thính và tham gia có gì khác biệt không?

Cuộc họp hội đồng trường là cuộc họp cấp cao trong trường học, sẽ thảo luận và quyết định những công tác quan trọng trong trường, bao gồm kế hoạch phát triển, cũng như các quy định khác nhau trong trường, ví dụ: nguyên tắc xử lý các vụ bạo lực học đường, chương trình nâng cao sức khỏe.

Thành viên tham dự cuộc họp hội đồng gồm: hiệu trưởng, các giáo viên, ban phụ huynh, các nhân viên trong trường v.v., thường dùng cơ chế đại diện, ví dụ sẽ có đại diện giáo viên, đại diện ban phụ huynh, đối với trường đại học và THPT thì có đại diện Hội Sinh viên hoặc đại diện  Hội Học sinh tham dự. Năm nay, sau khi “Quốc Giáo Luật” được sửa đổi, thì đại diện học sinh khối tiểu học và THCS cũng sẽ được mời dự thính cuộc họp hội đồng trường.

Dự thính và tham dự cuộc họp sẽ có những quyền lợi khác nhau, dự thính thì chỉ có quyền ngồi nghe, quyền phát biểu, còn tham dự thì mới có quyền đưa ra các đề xuất và quyền biểu quyết.

Nhìn lại lịch sử dân chủ trong quản lý nhà trường ở Đài Loan, năm 2005, “Luật Đại học” được sửa đổi, cho phép đại diện sinh viên tham dự cuộc họp hội đồng của trường với số lượng không được ít hơn 10% thành viên cuộc họp, đặt một dấu mốc quan trọng trong việc sinh viên chính thức tham gia dân chủ học đường. Tới tháng 5 năm 2022, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục thuộc Viện Lập pháp đã thông qua bản sửa đổi “Luật Đại học” do các nhà lập pháp đề xuất. Theo đó, số lượng đại diện sinh viên trong cuộc họp hội đồng trường được điều chỉnh từ 10% lên 20%. Khi quy định này được đưa ra ủy ban thì vấp phải sự phản đối của nhiều hiệu trưởng các trường đại học. Do đó, việc sửa đổi luật không thành công. Tháng 3 năm 2023, Liên hội Sinh viên Đài Loan đã tới Bộ Giáo dục để đề xuất lại vấn đề này.

Còn với khối trung học phổ thông, năm 2013, “Luật Giáo dục trung và cao cấp” đã thông qua việc cho phép học sinh trung học phổ thông và học sinh các trường dạy nghề được phép tham dự cuộc họp hội đồng trường. Thông qua nhiều lần đấu tranh, tới năm 2021 lại sửa luật lần nữa, tỉ lệ đại diện học sinh trong cuộc họp hội đồng trường không được dưới 8%. Lần này, sau khi “Quốc Giáo Luật” được sửa đổi, đại diện học sinh được đưa vào cuộc họp hội đồng trường đã mở rộng tới cả khối tiểu học và THCS, hoàn thiện quyền tham gia quản lý trường học của học sinh tất cả các cấp học ở Đài Loan.

 

Trọng tâm của luật mới: nâng cao quyền khiếu nại và bày tỏ ý kiến của học sinh

Ngoài việc cho phép học sinh dự thính cuộc họp hội đồng trường, lần sửa đổi “Quốc Giáo Luật” này còn có nhiều quy định đẩy mạnh quyền lợi của học sinh, như việc học sinh được phép bày tỏ ý kiến thông qua “Hòm thư hiệu trưởng”, cũng có thêm nhiều biện pháp cứu trợ hành chính. Căn cứ vào biên bản giải thích số 784 của Hội nghị Thẩm phán, khi học sinh thấy quyền lợi của mình bị nhà trường xâm phạm thì có thể căn cứ theo quy định của pháp luật để thực hiện các biện pháp cứu trợ hành chính như: khiếu nại, khiếu nại lần hai v.v… Nhưng trong bản “Quốc Giáo Luật” do Viện Hành Chính đề xuất trước kia, thì việc khiếu nại hay khiếu nại lần hai phải do phụ huynh đứng ra đại diện, nếu ý kiến của phụ huynh và học sinh không đồng nhất thì học sinh khó có thể tự tiến hành khiếu nại. Cuối cùng, theo quy định được thông qua thì đổi thời gian khiếu nại trong “Quốc Giáo Luật” bản của Viện Hành Chính từ 30 ngày thành 40 ngày, đồng thời thông qua một nghị quyết kèm theo, yêu cầu Bộ Giáo dục thiết lập “Hòm thư hiệu trưởng”, đảm bảo hồ sơ được thiết lập, theo dõi và quản lý, đảm bảo quyền bày tỏ ý kiến của thiếu nhi.

Ngoài ra, lần sửa luật này còn bao gồm việc cung cấp giáo viên tại chỗ, dạy học một cách linh hoạt, chi phí cho các nhân viên giáo dục phải được cấp riêng theo từng dự án, cho phép tổ chức hành chính của các trường có nhiều không gian hơn để điều chỉnh một cách linh hoạt.

Tình hình thực tế tại các trường: thiếu đồng bộ, tiến độ thực hiện của các huyện thị không đồng nhất

Do hướng dẫn thực thi “Quốc Giáo Luật” chưa được đưa ra, luật mới chỉ yêu cầu đại diện của học sinh dự thính cuộc họp hội đồng trường chứ chưa quy định tỉ lệ học sinh trong cuộc họp, cũng không quy định việc lựa chọn đại diện học sinh, nên sau khi khai giảng, các trường tiểu học và THCS cũng chưa nắm rõ phải triển khai quy định mới như thế nào, phương hướng ra làm sao. Trước khi sửa luật, có nhiều trường đã thiết lập Hội Học sinh Tự quản, thử để cho các em học sinh học cách biểu đạt ý kiến của mình, cũng có trường vẫn còn đang nghe ngóng, chờ xem cách hợp lý để hòa hợp việc đưa học sinh tham gia họp hội đồng với việc vận hành trường học.

Ông Trường Hầu Tuấn, chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Toàn quốc cho rằng, Bộ Giáo dục cần phải đưa ra các giải pháp đồng bộ, nếu không thì sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi thực thi quy định mới.

Ông Lâm Minh Dụ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho hay, quy định này chủ yếu chú trọng đến quyền bày tỏ ý kiến của thiếu nhi, là một ý tưởng rất tân tiến, cho nên các trường cần phải tuân thủ và thực thi. Dù không có quyền biểu quyết, nhưng việc dự thính phải được tiến hành để cho học sinh được tham gia thảo luận về các quyết định quan trọng của trường. Đối với việc làm thế nào để quyết định tính đại diện và số lượng học sinh tham gia thì Bộ Giáo dục sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương để từng bước thực hiện tinh thần của quy định, đồng thời hỗ trợ các trường học thực hiện.

Trung ương không công bố phải thực hiện như thế nào, tốc độ thực hiện của Sở Giáo dục các địa phương không giống nhau. Sở Giáo dục thành phố Cao Hùng đang biên soạn “Những điểm cần lưu ý khi tiến hành họp hội đồng các trường tiểu học, THCS thành phố Cao Hùng”, để các trường có căn cứ tham khảo. Không chỉ thế, trước khi biên soạn xong, Sở đã yêu cầu các trường tiểu học, THCS phải tiến hành mời học sinh dự thính cuộc họp hội đồng trường từ năm học 2023, còn với việc lựa chọn đại diện học sinh, thì nếu trường có các hội, nhóm học sinh tự quản thì có thể ưu tiên mời đại diện của các hội, nhóm học sinh tự quản này.

“Trọng tâm của quy định này là việc tham gia của học sinh”, ông Hoàng Kiều Vĩ, trưởng phòng Giáo dục bậc trung thuộc Sở Giáo dục thành phố Đài Bắc cho biết, trước mắt, đã tìm hiểu tình hình thực thi của các trường. Có không ít các trường THCS đã lấy ý kiến của lớp trưởng các lớp về việc dự thính họp hội đồng, hoặc bầu chọn đại diện học sinh từ lớp trưởng các lớp. Bên cạnh đó, còn một cách nữa là, nếu như cuộc họp hội đồng có thảo luận liên quan tới khối lớp 9 thì sẽ lựa chọn đại diện từ các học sinh khối lớp 9. Tuy nhà trường mời dự thính, nhưng học sinh có thể căn cứ vào ý muốn của mình mà quyết định nhận lời hay từ chối. Quy định trong luật mới cho các trường tiểu học và THCS được phép thực hiện một cách linh động, chủ yếu mong các em được tham gia thảo luận công khai từ nhỏ, nên không giới hạn về hình thức.

Trong luật sửa đổi chỉ ghi “nên mời học sinh dự thính”, ông Hà Úy Từ, luật sư, Phó chủ tịch Hội Dân chủ Thanh niên Đài Loan chia sẻ, “thực hiện trước đã, sau này sẽ suy nghĩ làm thế nào để cải tiến tốt hơn sau”. Luật cũng để cho các trường tiểu học, THCS có không gian tự do phát huy, nên có thể có nhiều trường còn đang nghe ngóng tình hình rồi mới đi vào thực hiện.

Không ít trường đã trợ giúp học sinh thành lập Hội Học sinh, giúp các em có trải nghiệm tham gia dân chủ, ví dụ như trường THCS Tân Trang, thành phố Tân Bắc, từ năm 2018, mỗi niên khóa đều trợ giúp học sinh lớp 8 niên khóa đó thành lập Hội Học sinh Tự quản.

Tiếng lòng của các em học sinh tiểu học: hy vọng các thầy cô hướng dẫn cho chúng em cách tham gia cuộc họp

Tháng 9 vừa khai giảng, em Quách Khả Hàm, học sinh lớp 6 trường tiểu học Hạnh An, thành phố Đài Bắc, tuy không hiểu rõ họp hội đồng trường là như thế nào, nhưng khi lên lớp, các thầy cô của em đã bắt đầu hỏi ý kiến xem có học sinh nào trong lớp tự nguyện tham gia, rồi từ đó chọn ra đại diện học sinh dự thính cuộc họp hội đồng trường.

Khi được hỏi có tự nguyện tham gia hay không, Quách Khả Hàm đã trả lời một cách ngượng ngùng: “Bản thân em chưa chuẩn bị đủ tinh thần để đứng trước nhiều người lớn như vậy, em sợ mình sẽ nói sai mất”. Nếu phải tham gia, thì hy vọng sẽ biết trước chủ đề thảo luận trong cuộc họp, “vì nếu thầy cô đưa ra vấn đề xong em mới bắt đầu nghĩ thì sẽ càng hồi hộp hơn”.

Nhưng Quách Khả Hàm cũng chia sẻ, nếu được bày tỏ ý kiến của mình trong cuộc họp, thì điều em muốn nói nhất là, hy vọng khi lên lớp, các thầy cô có nhiều hoạt động tương tác với học sinh hơn, thiết kế nhiều trò chơi giáo dục với nội dung dễ tiếp thu để có thể tăng cường trí nhớ cho học sinh. Bên cạnh đó, em còn đặt câu hỏi: “Nếu như học sinh đưa ra đề xuất đảo ngược thời gian vào học cũng như tan học thì chắc chắn trường sẽ không đồng ý, như vậy thì cho học sinh tham gia họp để làm gì?”

Băn khoăn của Quách Khả Hán cũng là vấn đề mà các thầy cô giáo trong trường lo lắng. Ông Lý Trí Hiền, hiệu trưởng trường tiểu học Tân Thị, thành phố Đài Nam cho hay, cho các em học sinh dự thính họp hội đồng không khó, “nhưng điều này có phù hợp với quy trình không?”. Tuy pháp luật không quy định bắt buộc phải thành lập hội học sinh, nhưng ông cho rằng, nên thành lập hội học sinh trước rồi từ đó chọn ra đại diện học sinh, như vậy mới phù hợp với quy trình.

Ông Lý Trí Hiền cho rằng, nếu ý kiến học sinh đưa ra không được nhà trường thực hiện, thì các thầy cô giáo nên tìm cơ hội để giải thích rõ với học sinh, để các em thông cảm. Đồng thời, cũng cần để cho các em học sinh biết trước về chủ đề thảo luận của cuộc họp hội đồng. Những việc cần chuẩn bị trước cuộc họp này sẽ tốn khá nhiều thời gian của giáo viên và học sinh, đặc biệt, đối với các giáo viên và học sinh chưa từng có kinh nghiệm thì đây là một thách thức lớn.

Ông Hà Vĩnh Tường, Chủ tịch liên hội bảo vệ quyền lợi cho học sinh THCS Đài Loan đồng tình với việc phù hợp với quy trình cũng là điều rất quan trọng. Từ lớp 8 đã bắt đầu đấu tranh để được thành lập hội học sinh, cho nên từ trước khi luật được sửa đổi, ông đã đề xuất với các nhà lập pháp, trước khi cho phép học sinh tham gia họp hội đồng, nhất định phải thành lập hội học sinh, bởi mỗi học sinh là một cá thể độc lập, để nhận được sự đồng thuận của học sinh toàn trường thì không thể chỉ dựa vào các lớp, các khối. Ông diễn giải, “Có hội học sinh làm cái bát lớn, thì mới có cách để đưa hết cát vào cùng một chỗ từ đó phát huy được sức mạnh”.

Em Quách Khả Hàm nói, các thầy cô giáo có thể trợ giúp cho học sinh biết cách thảo luận như thế nào, ví dụ có thể luyện tập trước trong các cuộc họp gia đình. Trước đây, trong lớp chỉ có bỏ phiếu nhanh, ví dụ như việc quyết định xem sẽ bán gì trong hội chợ, nếu cho phép học sinh được bày tỏ ý kiến về việc tại sao lại bán đồ uống, bán đồ thủ công, các bạn khác cũng đưa ra ý kiến đồng ý hoặc phản đối, cuối cùng mới bỏ phiếu để quyết định, “cần học từ những việc nhỏ như thế này”.

Tiếng lòng của học sinh THCS: nhất định phải bước một bước đầu tiên trong việc bày tỏ ý kiến của mình

Đối với các em học sinh trường THCS Tân Trang thì việc chọn ra đại diện học sinh không khó. Từ 5 năm trước (năm 2018), trường THCS Tân Trang đã bắt đầu trợ giúp học sinh lớp 8 thành lập Hội Học sinh Tự quản, tổ chức cùng việc bầu chọn học sinh gương mẫu. Do các học sinh khối lớp 8 từ đưa ra hội trưởng, hội phó để bầu cử, thông qua bỏ phiếu để lựa chọn. Ông Ngô Sùng Vinh, trưởng phòng Giáo vụ trường THCS Tân Trang chia sẻ, mời học sinh dự thính cuộc họp hội đồng rất dễ, ngược lại, cần phải tính đến việc bản thân em học sinh đó có đủ năng lực, thời gian tham gia, cũng như việc phụ huynh có muốn con em mình tham gia hay không.

Ông Ngô Sùng Vinh lấy Hội Học sinh Tự quản làm ví dụ, trong 5 năm hoạt động, Hội Tự quản chủ yếu đảm nhiệm duy trì trật tự trong lớp cũng như đánh giá vệ sinh, hay là đặt các quầy trong hội chợ của trường. Vì thời gian của học sinh có hạn, nên tuy nhà trường mong muốn các em có cơ hội tham gia và bày tỏ ý kiến của mình nhưng cũng không bắt buộc hội phải phát huy chức năng cụ thể nào. Tương tự như vậy, với việc tham gia họp hội đồng, “cũng không kỳ vọng lý tưởng cao quý nào, chỉ cần trong quá trình giam gia, học sinh có thể học được điều gì đó, hoặc hiểu được nguyên nhân trường quyết định làm như thế là được”.

Em Thái Gia Ân, học sinh lớp 9 trường THCS Tân Trang đang đảm nhận vị trí cán bộ của Hội Học sinh Tự quản, đồng thời tham gia cả Hội Quản lý phục trang của học sinh (tham gia lựa chọn quần áo, giày đồng phục, quản lý các học sinh mặc sai quy định đến trường – người dịch),  với lần đầu trong đời được tham gia vào hoạt động chung, thấy rất háo hức với cơ hội được tham gia cuộc họp hội đồng trường.

Em nhớ lại khi Hội Quản lý phục trang của học sinh thảo luận việc có nên thêu tên và số thẻ học sinh lên đồng phục của học sinh khối lớp 7 hay không, lúc mới đầu run tới mức không dám phát biểu, cho tới khi thầy cô đưa mic tới trước mặt thì mới lấy hết dũng khí nói ra lí do không tán thành thêu tên lên đồng phục. Có điều, khi em thấy lý do các bạn khác tán thành là vì sợ học sinh ra ngoài nhỡ có chuyện gì thì có tên và số thẻ học sinh trên đồng phục, có thể liên hệ với phụ huynh và thầy cô trong trường luôn, “em tìm hiểu ý kiến của tất cả mọi người, đến cuối cùng thì thay đổi ý kiến, tán thành việc thêu tên lên đồng phục”.

“Trước đây, ở trên lớp, em chỉ quản lý mình cho tốt, học bài chăm chỉ, sau này mới phát hiện ra, biết cách trình bày ý kiến của mình, lắng nghe ý kiến của người khác rất quan trọng”, Thái Gia Ân thừa nhận, bởi cuộc họp hội đồng trường có nhiều nội dung thảo luận hơn, nên em không chắc mình có khả năng hiểu hết được hay không, tuy vậy, em vẫn muốn nắm lấy cơ hội tham gia này, nhưng trước khi tham gia, em hy vọng thầy công trong trường cũng sẽ trợ giúp các em hiểu thêm về nội dung họp hội đồng giống như ngày xưa trợ giúp các em học cách vận hành Hội Học sinh Tự quản.

Điểm đáng chú ý là lựa chọn đại diện học sinh như thế nào? Tham gia các nội dung thảo luận gì?

Đối với việc được tham gia cuộc họp hội đồng trường trong tương lai, Trương Tâm Du rất muốn được thử sức, đồng thời quan tâm việc lựa chọn ra đại diện học sinh. Việc đầu tiên em muốn đề xuất tới nhà trường là, cho dù là cán bộ của Hội Học sinh Tự quản hay là đại diện học sinh dự thính họp hội đồng, hy vọng sẽ mở cửa cho càng nhiều học sinh muốn tham gia càng tốt, chứ không chỉ đơn thuần chọn trong số các học sinh gương mẫu, “có một số bạn học sinh gương mẫu không muốn tham gia, nên để cơ hội này cho các học sinh nhiệt tình tham gia các hoạt động chung”.

“Học sinh dự thính họp hội đồng nên bắt đầu với những nội dung có liên quan tới chính các em học sinh”, ông Ngô Sùng Vinh cho biết, nếu chỉ gọi học sinh tới ký tên có mặt hoặc đóng dấu thì không có ý nghĩa gì cả, đặc biệt là khi ngay cả các giáo viên cũng chưa chắc đã nắm rõ công việc cụ thể của các phòng ban trong trường nữa là học sinh. Do đó, việc tham gia cuộc họp hội đồng nên bắt đầu từ những nội dung mà học sinh có thể nắm được, như thế này thì việc tham gia mới có ý nghĩa thực tế.

Hiệu trưởng các trường cũng chỉ ra rằng, những chủ đề học đường mà học sinh quan tâm bao gồm: việc thưởng phạt học sinh, thời gian biểu trong trường, quy định về ăn mặc, đầu tóc, hay như các phương án tổ chức lễ kỉ niệm thành lập trường, hội thao v.v… Với những vấn đề này, thì nhà trường nên lắng nghe ý kiến của các em. Hiệu trưởng trường tiểu học Bác Ái thành phố Đài Bắc, Trần Thuần Hòa cho biết, trước khi cho phép học sinh dự thính họp hội đồng thì đã cho đại diện học sinh tham gia Hội Thưởng phạt và Hội Quản lý Phục trang của trường.

Trước mắt, các hội nhóm cho phép học sinh tiểu học và THCS được tham gia chủ yếu có liên quan tới trang phục và bữa ăn trưa. Sở Giáo dục các địa phương đều có phương án thực thi của mình, số lượng đại diện học sinh ở các nơi cũng khác nhau. Theo chia sẻ của nhân viên các trường, do phục trang có liên quan tới các nội dung có liên quan tới cơ chế công lý về các tội lỗi quá khứ nên nhận được nhiều sự quan tâm từ đơn vị chủ quản giáo dục, nên các trường thường lấy số đại diện học sinh từ Hội Quản lý Phục trang chiếm ¼ tổng số đại diện học sinh trở lên. Phương thức lựa chọn đại diện học sinh cũng có sự khác biệt giữa các trường. Trường học ở Cao Hùng yêu cầu đại diện học sinh phải có sự đồng ý của người đại diện pháp nhân. Còn cách chọn thì tùy các trường quyết định, ví dụ thành viên Hội Bữa trưa của trường THCS Ngũ Phúc là do học sinh tự bầu chọn.

Tham gia dân chủ học đường sẽ giúp học sinh học được gì?

Bài học 1: hiểu được cách vận hành của dân chủ

“Dự thích là cách trung hòa nhất, ít nhất thì cũng cho các em học sinh tiểu học và THCS cơ hội tham gia”, ông Hà Úy Từ, người đã nhiều năm quan tâm tới việc tham gia dân chủ của thanh niên nhận định, nhà trường có rất nhiều cách để học sinh không thể tham gia quyết định một việc bất kỳ nào đó trong trường, do đó, tuy chưa chắc có thể tham gia vào việc quyết định trên thực tế, nhưng mục đích quan trọng nhất khi đưa học sinh tham gia họp hội đồng là quá trình học về dân chủ, để học sinh hiểu được cách vận hành của dân chủ.

Trước đây, hội của chúng tôi thường nhận được những khiếu nại từ các học sinh THCS, ví dụ không đồng tính với quy định dùng điện thoại của trường, hoặc việc đến muộn giờ tự học buổi sáng mà bị tính là trốn học, v.v... Nguyên nhân chủ yếu là thiếu ý kiến đóng góp của học sinh trong quá trình xây dựng các quy định này. Do đó, đưa việc tham gia của học sinh vào giai đoạn quyết định “họp hội đồng trường”, không chỉ có thể thu nhận được càng nhiều ý kiến của học sinh, mà các em cũng sẽ hiểu được lý do vì sao mà phụ huynh và giáo viên mong muốn thu điện thoại trong giờ học. Thảo luận để đạt được tiếng nói chung, đây chính là quá trình thực hiện của dân chủ. Trong xã hội dân chủ, mọi người đều phải tôn trọng quyết định cuối cùng, đồng thời cũng giảm bớt khả năng học sinh phản kháng sau đó.

Bài học 2: hiểu rõ hơn về cách tham gia có đối thoại

Tính đến kiến thức cũng như năng lực của học sinh, nên trước mắt chỉ cho các em tham gia các hội như Hội Quản lý Phục trang, có điều, ông Hà Úy Từ chia sẻ, họp hội đồng trường là bước đầu tiên để giúp học sinh thực hành thêm về pháp luật cũng như kiến thức. Sau khi hiểu và kinh qua chu trình tổng thể, các em học sinh sẽ phát huy tốt hơn sức mạnh của bên giám sát thứ ba.

Là một học sinh THCS, em Thái Gia An cho biết, ở giai đoạn tiểu học, em không có cơ hội tham gia, đến giai đoạn THCS, nếu có cơ hội tham gia nhiều hơn các công tác trong trường, có thể tích lũy cho mình: cách thu thập tài liệu, kĩ năng biểu đạt ý kiến của mình một cách rõ ràng, thì dù cho sau này lên THPT, vào đại học hay là bước chân ra ngoài xã hội thì đều giúp ích cho bản thân rất nhiều.

Bài học 3: tái cơ cấu khuôn khổ các mối quan hệ của quyền lực

Ông Ngô Luật Đức, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ khoa Luật của trường đại học Phù Nhân, người từng thúc đẩy “Luật Giáo dục trung và cao cấp”, ủng hộ học sinh THCS tham gia cuộc họp hội đồng trường, thành lập hội học sinh v.v… cho rằng, “Thị trưởng tự quản của trường tiểu học cũng chỉ là một mắt xích trong việc bầu cử ở trường, việc chúng ta cần làm hiện nay là thực thi việc tham gia dân chủ học đường”, để học sinh hiểu một cách hoàn chỉnh, thế nào là dân chủ.

“Cách dạy học truyền thống là mối quan hệ quyền lực từ trên xuống dưới”, ông Hà Úy Từ cho biết, học sinh Đài Loan đã quen chỉ làm mọi việc trong khung quy định, ví dụ nhà trường lo nếu cho phép học sinh mua đồ ăn bên ngoài vào sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như việc thu gom rác, nên thời gian đầu đã phản đối rất mạnh mẽ. Sau này, như trường hợp trường THCS trực thuộc trường đại học Sư phạm đồng ý cho học sinh mua đồ ăn bên ngoài vào trường, nhờ giáo viên và học sinh đã cùng thảo luận những vấn đề có thể xảy ra nếu trường cho phép gọi đồ ăn bên ngoài vào như là việc thu gom rác, nên đến cuối cùng, khi thực thi, cho đến nay vẫn chưa có vấn đề gì lớn xảy ra. Dân chủ học đường chính là việc dần thay đổi những quan niệm như thế này. Bởi học sinh cũng là một công dân, nếu như bất bình vì bị nhà trường phạt cảnh cáo hoặc vì bị phạt oan, thì học sinh phải bắt đầu học cách tranh đấu một cách có lý trí.

Nhớ về thời kỳ đi học của mình, bà Lý Nhã Thanh, Phó tổng thư ký Liên đoàn Giáo viên Toàn quốc chia sẻ, “Từ nhỏ tôi đã là một kẻ gây rối, lúc nào cũng có ý kiến góp ý”, nhưng trước đây không có chỗ nào để bày tỏ ý kiến của mình, không phục các quy định của trường nên dùng những cách rất tồi tệ để thực hiện, ví dụ như khi lên lớp, cùng các bạn thay nhau hỏi linh tinh, chơi khăm giáo viên v.v... Tuy ở các trường, việc thúc đẩy học sinh dự thính cuộc họp hội đồng còn nhiều vấn đề cần được khắc phục, nhưng các em có cơ hội được tham gia thông qua quyền công dân của mình, thử bày tỏ ý kiến của mình qua con đường dân chủ hơn để đối thoại với nhà trường và các thầy cô giáo, và đây cũng là cách để giải quyết bất đồng ý kiến giữa học sinh và giáo viên.

Ông Hà Úy Từ khẳng định, có thể trong thời gian đầu, mọi người sẽ gặp khó khăn trong việc hướng dẫn các em học sinh tiểu học và THCS, nhưng nhớ lại trước đây, khi áp dụng cho học sinh THPT, học sinh trường nghề hay sinh viên đại học thì cũng dùng cách tiến dần từng bước thế này. Sau 3-5 năm thay đổi, hy vọng thế hệ mới sẽ hiểu được đâu là phương thức vận hành tốt hơn cho dân chủ từ khi còn trên ghế nhà trường.






 

 

 

 

 






 


 


 

 


 


 


 




 

 

Phát thanh viên

Phản hồi liên quan