Khi còn nhỏ, tôi học rất giỏi nhưng lại sống rất nội tâm, vì hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, so với những gia đình nghèo khó cũng không khác là mấy nên tôi không thể bày tỏ nỗi đau của mình, điều này khiến tôi tự phụ và tự ti. Sau đó, tôi gặp những người bạn gặp nhiều khó khăn hơn tôi, họ đúng là những người “có miệng nhưng không thể nói” vì họ bị khiếm thính, ở trường trung học, tôi học ngôn ngữ ký hiệu để có thể hiểu được ngôn ngữ của những người bạn khiếm thính của mình. Mặc dù học luật ở trường đại học nhưng tôi quyết định trở thành “người nói thay những người bạn khiếm thính của mình” và trở thành phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu toàn thời gian.
Thực sự, ngôn ngữ ký hiệu giúp tôi “hiểu” chính mình hơn. Nó giống như ngọn đuốc soi sáng sự mặc cảm tự ti đã từng bao lấy tôi và dẫn dắt tôi tiến về phía trước.
Với 38 năm kinh nghiệm làm phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, cá nhân tôi đã tham gia xây dựng môi trường chuyên nghiệp cho phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu ở Đài Loan. Trong đợt dịch Covid-19 năm 2020, tôi làm phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu cho buổi họp báo của Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Trung ương, điều này bất ngờ khiến tôi trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Hầu như tất cả mọi người đều tò mò, tại sao tôi, người tốt nghiệp cấp ba trường THPT Kiến Quốc và tốt nghiệp khoa luật của Đại học Quốc gia Đài Loan lại không trở thành luật sư hay thẩm phán mà lại chọn một nghề ít thịnh hành như thế này?
Thực ra, có lẽ tôi lúc 14 tuổi cũng đang đầy nghi ngờ về bản thân mình, bởi khi đó, điều tôi khao khát chính là “khí chất ngôi sao”. Trong suốt thời niên thiếu, tôi luôn ẩn mình sau những hình dáng sắc sảo đó, ngoài việc biết đọc và cư xử tốt, những thứ khác dường như không liên quan gì đến tôi.
Lý Chấn Huy, phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu đầu tiên ở Đài Loan (Ảnh: Vương Uy Hán)
Tự cao và tự ti tôi đều có
Tôi sống ở vùng nông thôn xa xôi của Đài Bắc - Đảo Xã Tử. Gần nhà tôi có đất trồng trọt, so với trường học ở thành thị thì ở đây không có nhiều trẻ em được học hành. Vào thời điểm đó, các trường nổi tiếng như trường THCS Đại Trực và trường THCS Giới Thọ, mỗi năm có hơn mười học sinh thi đậu nguyện vọng một vào trường THPT Kiến Quốc. Vào năm tôi tốt nghiệp THCS thì Đảo Xã Tử chỉ có 2 học sinh đậu vào trường THPT Kiến Quốc và tôi là 1 trong 2 số đó.
Khi tôi 14 tuổi, nền kinh tế Đài Loan phát triển và hình thức sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của đối tác tại nhà (OEM) được mọi người ưa chuộng. Mọi hộ gia đình, kể cả gia đình tôi và những người hàng xóm của tôi, đều làm công việc kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Sau khi đi học về, bốn anh chị em chúng tôi nhặt những chiếc vợt tennis và bắt đầu đan chúng, mỗi người chúng tôi trung bình làm được 10 chiếc vợt mỗi ngày, sau đó chúng tôi có thể đi học sau khi làm xong. Thường xảy ra việc tôi không có thời gian để hoàn thành bài tập về nhà hoặc đang ôn tập cho bài kiểm tra vào ngày hôm sau thì tôi lại ngủ quên vì kiệt sức. Điều này cũng là do tôi đang học lớp sơ và tiêu chuẩn trong lớp là “100 điểm”, nếu thiếu 1 điểm, tôi sẽ bị đánh 1 cái. Mẹ tôi điện thoại cho giáo viên để xin lỗi thầy vì do tôi phải phụ giúp gia đình làm việc.
Chỉ có “điểm cao” mới có thể mang lại cho tôi sự tự tin vào thời điểm đó, thậm chí có thể nói là khiến tôi “hơi tự cao”. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã ảnh hưởng đến mọi lựa chọn của tôi - tôi chưa bao giờ tiêu tiền mau sách vở, và phải trả tiền để tham gia hoạt động cho những lần vắng mặt trong lớp, lúc này cảm giác tự ti lại ùa đến. “Tự cao” và “tự ti”, hai tính cách như vậy lôi kéo và va chạm với nhau. Dù bề ngoài tôi là người sống nội tâm nhưng tôi luôn mong mình có thể được như nhân vật nổi tiếng trong lớp, được bao quanh bởi hào quang mọi lúc mọi nơi. Dù tôi biết rất rõ rằng mình chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trở thành một người như vậy.
Giáo viên tiểu học của tôi từng nói với tôi: “Rất nhiều chuyện thực ra không phải do em làm không tốt mà là do em để mặc cảm tự ti gây ra”.
Anh trai tôi hơn tôi 2 tuổi bắt đầu làm việc với bố tôi sau khi tốt nghiệp cấp 2. Chị cả của tôi ban đầu muốn học cấp 3 nhưng bố tôi đã tâm sự những khó khăn của gia đình khi say rượu vào lúc nửa đêm. Cuối cùng, chị cả của tôi đã chọn học ở một trường dạy nghề để có thể kiếm tiền ngay sau khi ra trường. Khi đến lượt tôi tham gia kỳ thi tuyển sinh cấp 3, tình hình tài chính của gia đình tôi được cải thiện đôi chút. Khi đó, trường cấp 3 và trường dạy nghề thi riêng. Về điểm số, tôi chắc chắn có thể vào trường trung học Kiến Quốc, đây là chiến lược của tôi để ba cho phép tôi học cấp ba. Lúc đó cả làng chỉ có hai người được nhận vào trường THPT Kiến Quốc nên mẹ tôi đã động viên: “Trường này nhất định phải học”.
Ánh mắt cô gái khiếm thính nhà bên “khao khát được giao tiếp”
Mỗi lần lên xe buýt từ đảo Xã Tử đến trường, việc mặc đồng phục của trường Kiến Quốc mang lại cho tôi khí chất của một “ngôi trường ngôi sao”. Tôi luôn mong mọi người sẽ chú ý đến bộ đồng phục kaki trên người. Nhưng ngôi trường cấp 3 được lựa chọn hàng đầu của thành phố Đài Bắc này đã quy tụ một nhóm người tài giỏi bậc nhất. Tôi tự coi mình là một đứa trẻ quê mùa, không giỏi bằng những đứa trẻ ở thành phố, tôi luôn dựa vào việc học thuộc lòng đối phó với việc học nhồi nhét, Toán học cuốn sách mà tôi không thể hiểu được nên điểm số đã không giống như tôi kỳ vọng, nhưng tôi đã tìm thấy một thế giới khác ở đây, điều này có tác động rất lớn đến cuộc đời của tôi.
Các câu lạc bộ ở trường Kiến Quốc rất đa dạng, với gần 40 câu lạc bộ tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau như học thuật, giải trí và dịch vụ. Nó dường như đã cho tôi một mãnh đất giải phóng những gì bị kìm nén trong quá khứ - Tôi đã tham gia câu lạc bộ nhiếp ảnh vào năm lớp 10, đến năm lớp 11, tôi tham gia hát đồng ca, đồng thời, chủ tịch câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu ngồi cạnh tôi đang loay hoay tuyển thành viên, do đó bốn người bạn cùng lớp, trong đó có tôi, ngồi trước mặt, sau lưng, bên trái và bên phải anh ấy, đều được tuyển vào câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu.
Ngày đầu tiên học ngôn ngữ ký hiệu, chúng tôi xuất phát từ trường Kiến Quốc và đi bộ 10 phút đến Hiệp hội nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính của Trung Hoa Dân Quốc lúc bấy giờ, nơi có một nhóm bạn khiếm thính đồng trang lứa chúng tôi đang theo học tại trường THPT Khởi Thông Đài Bắc. Ngày hôm đó, tôi và ba người bạn cùng lớp khác cảm thấy như thể chúng tôi đã bước vào một thế giới không có cách nào để giao tiếp. Tất cả những người khiếm thính có mặt đều sử dụng ngôn ngữ ký hiệu mà chúng tôi không thể hiểu được. Có lẽ vì không để tính ưu việt của “trường Kiến Quốc” bị lật đổ nên bốn người chúng tôi không hẹn mà gặp, bị say mê bởi ngôn ngữ ký hiệu, cùng nhau hứa hẹn trong vòng 1 đến 2 tuần sẽ học thuộc các ký hiệu ngôn ngữ này sau đó sẽ đến gặp các bạn bị khiếm thính trò chuyện.
Cuốn sách ngôn ngữ ký hiệu “Your hands can become a bridge” đã ở bên tôi kể từ đó. Những người mới bắt đầu học thuộc lòng các con số, tôi đếm từ 0 đến 100 bằng ngôn ngữ ký hiệu mỗi ngày. Có một lần, tôi cứ mãi mê đếm trong nhà vệ sinh và quên đi mọi thứ, mẹ tôi vẫn thắc mắc không hiểu tại sao tôi đi vệ sinh hơn 10 phút mà vẫn chưa ra, còn nói tôi đã bị điên quá mức. Ngoài việc không thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu khi về đến nhà, bốn đứa “học việc” chúng tôi khi gặp nhau chỉ dùng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp chứ không nói chuyện, thậm chí, ngồi trong lớp học chúng tôi cũng hoa tay múa chân khiến cho giáo viên nổi giận đến mức ném trực tiếp bông tẩy phấn xuống chúng tôi và nói “4 đứa trong câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu này!”
Điều thú vị là bốn người chúng tôi không thực sự trở thành thành viên của câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu mà thay vào đó, chúng tôi tự mình đến hiệp hội để tìm những người bạn khiếm thính, mỗi khi nghỉ học, chúng tôi cùng nhau đi ăn lẩu, xem phim và trượt băng. Tôi nhớ rất rõ, trên sân trượt băng rộng lớn, mọi người cách xa nhau đến nỗi giọng nói của chúng tôi không thể truyền đi. Chỉ có một nhóm chúng tôi là không có rào cản và có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để trò chuyện thoải mái trong khi trượt băng.
Nhưng cũng bởi vì tôi đi chơi với những người bạn khiếm thính nên cá nhân tôi trải nghiệm việc họ bị phân biệt đối xử hàng ngày như thế nào. Có một lần tôi đi chơi với bạn ở trường Khởi Thông, khi đang trò chuyện với bạn bè bằng ngôn ngữ ký hiệu trên xe buýt, có lẽ người trên xe nhận thấy tôi đang mang cặp học sinh Trường Kiến Quốc và một người đã nói: “Em thật sự không nghe được à?” Tôi trả lời ngay: “Em là học sinh của trường Khởi Thông được giới thiệu trường đến trường Kiến Quốc!”, tuy nhiên, nhiều người lớn còn quá đáng hơn và cho rằng chúng tôi “bị câm”.
Trong khoảng thời gian điên cuồng học ngôn ngữ ký hiệu này, tôi thấy rằng những người khiếm thính thường không được thấu hiểu trong xã hội. Thực tế, một người hàng xóm thời thơ ấu của tôi là một cô gái khiếm thính. Cô ấy rất xinh đẹp, vào thời điểm đó cô ấy cũng muốn nhận làm việc tại nhà. Tuy nhiên, vì cô ấy không đi học, không biết đọc và không biết ngôn ngữ ký hiệu, hoàn toàn không thể biểu đạt suy nghĩ của mình, ánh mắt “khát khao được nói chuyện” đó khiến tôi không thể nào quên được. Sau khi bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu, mỗi lần gặp phải hoàn cảnh người khiếm thính không được xã hội đồng cảm, tôi lại nghĩ đến ánh mắt của cô gái này.
Dù tôi không tiếp xúc với ngôn ngữ ký hiệu vì cô hàng xóm này nhưng ánh mắt của cô ấy đã ảnh hưởng đến tôi và khiến tôi không ngừng học hỏi và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Năm vào lại đại học, tôi bí mật học ngôn ngữ ký hiệu, sau khi được nhận vào Khoa Luật của Đại học Quốc gia Đài Loan, tôi cũng trở thành giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu, chỉ để có thêm nhiều người khiếm thính hiểu được ngôn ngữ ký hiệu của tôi.
Với sự giúp đỡ của cha đẻ ngôn ngữ ký hiệu Đài Loan, tôi bắt đầu con đường trở thành một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu toàn thời gian.
Dù đang học ở trường Kiến Quốc hay Đại học Quốc gia Đài Loan, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc theo đuổi nghề ngôn ngữ ký hiệu, ngày xưa, phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu được coi là công việc tình nguyện trong xã hội Đài Loan chứ không phải là một nghề “chuyên nghiệp”. Mọi người đều thực hiện ngôn ngữ ký hiệu vì nghĩa vụ. Mặc dù tôi học luật ở trường đại học nhưng tôi khá mơ hồ về tương lai của mình. Thành thật mà nói, tôi học luật chỉ vì điểm số của mình, khi tôi học tiểu học, chị cả của tôi lúc đó đang là học sinh cấp 3, đang đọc tiếng Anh, tôi cảm thấy rất thích thú vì điều đó và thường theo dõi chị ấy để xem chị ấy đang đọc gì. Có lần, một bác hàng xóm của chúng tôi muốn viết một lá thư bằng tiếng Anh cho các con của bác ấy đang sống ở Mỹ, bác ấy nói bằng tiếng Phúc Kiến và chị tôi đã dịch nó sang tiếng Anh. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng chị tôi rất oai và cả làng đều ngưỡng mộ chị vì có khả năng làm được một việc gì đó, mãi đến khi lớn lên tôi mới biết đó gọi là dịch thuật.
Khi tôi đang học ngôn ngữ ký hiệu một cách điên cuồng vào năm lớp 11 và đến câu lạc bộ sau giờ học, tôi cũng gặp Wayne H. Smith, tác giả phiên bản mới của “Your hands can become a bridge” đã đến Đài Loan vào thời điểm đó và là học giả người Mỹ đầu tiên đến Đài Loan nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu, tôi thường đi theo ông ấy và nghe lén nội dung sách, hy vọng học được một số bí quyết về ngôn ngữ ký hiệu.
Sau này, khi tôi đang học cao học, ông ấy đến ở nhà tôi, vừa trò chuyện với mẹ tôi, ông ấy còn đề cập: “Con trai của chị sau này có thể làm thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, mặc dù mẹ tôi rất bối rối nhưng Wayne H. Smith đã nói rằng đây là một công việc rất tốt ở Hoa Kỳ. Khi nghe điều này, tôi cũng đang nghĩ, đúng rồi, tại sao ở Đài Loan lại không có ngành như vậy? Tôi học ngôn ngữ ký hiệu không tệ và tôi tự tin mình có thể là người tiên phong mở đường cho ngành này. Thật lạ khi không lâu sau, Cục Xã hội thành phố Đài Bắc tuyển dụng phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, tôi lập tức nộp hồ sơ và trở thành “phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu” đầu tiên trong các cơ quan chính phủ trên cả nước.
Công việc phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu không có tài liệu để chuẩn bị. Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi ứng biến ngay tại chỗ. Hơn nữa, lĩnh vực dịch thuật bao trùm rất nhiều lĩnh vực, bao gồm việc đưa người khiếm thính đến bệnh viện chữa bệnh, dạy nghề, thậm chí đôi khi còn giúp giải quyết các tranh chấp gia đình, trong đó có những bất đồng về phân chia tài sản thừa kế, ly hôn, và quyền nuôi dưỡng con cái khi ly hôn. Những vấn đề có liên quan đến gia đình này là do người nhà người khuyết tật thường không biết ngôn ngữ ký hiệu nên chúng tôi phải dịch cho họ. Hầu hết những người khiếm thính đều biết tôi học chuyên ngành luật tại Đại học Quốc gia Đài Loan và đến gặp tôi để được tư vấn pháp lý. Tuy nhiên, tôi sẽ nói rõ với họ rằng “tư vấn pháp luật” và “dịch thuật ngôn ngữ” chỉ có thể được chọn một trong hai, không thể nào gộp chung lại được. Nhiều người khiếm thính không hiểu và cho rằng tôi quá kiêu ngạo, keo kiệt. Tuy nhiên, cái gọi là nghề phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu là truyền tải ngôn ngữ, không thể đưa ra ý kiến, tư vấn, thậm chí thay mặt người khiếm thính “nói những lời hay ý đẹp” với thẩm phán, vì người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu phải giữ thái độ trung lập.
Tôi cũng đã cùng người khiếm thính tham gia khóa học làm đẹp ô tô tại trung tâm dạy nghề. Chúng tôi theo dõi từ đầu đến cuối trong 600 giờ. Anh ấy đã tốt nghiệp và tôi cũng đã tốt nghiệp. Có lần tôi tham gia một lớp học sửa ống nước kéo dài 900 giờ với một người bạn khiếm thính, và sau đó giáo viên đã khuyến khích chúng tôi tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ!
Nhưng điều khiến tôi quyết tâm thúc đẩy việc thiết lập hệ thống ngôn ngữ ký hiệu trong những dịp quan trọng hơn chính là mọi vụ việc tôi từng làm tại tòa những ngày đầu. Sở dĩ sau này tôi muốn làm thêm một số việc trên hệ thống là do những người bạn khiếm thính của tôi nhận được quá ít thông tin, dẫn đến nhiều hiểu lầm.
Hãy gõ cửa khu vực công và để 6.000 từ ngôn ngữ ký hiệu giúp bạn biết thêm nhiều điều
Ngôn ngữ ký hiệu được người khiếm thính sử dụng chỉ có 6.000 từ. Sự khác biệt lớn nhất so với ngôn ngữ chúng ta sử dụng để nói là ngôn ngữ ký hiệu dựa trên thị giác và logic ngữ pháp cũng khác. Thời kỳ đầu, ngôn ngữ ký hiệu chỉ có thể sử dụng những thứ có thể nhìn thấy bằng mắt để tạo ra nét vẽ và trở thành từ vựng. Tuy nhiên, cũng có những từ trừu tượng khác hoặc những từ liên quan đến lĩnh vực chuyên môn và không dễ để những người khiếm thính có thể tiếp cận và hiểu được.
Về mặt pháp luật, trong những trường hợp tôi tiếp xúc, một số người nhầm lẫn giữa khái niệm “Dân sự” và “Luật hình sự”. Chồng cô bị bắt vì tội cướp tài sản, cô mong sẽ trả số tiền này để hòa giải với bị hại và rút đơn khởi kiện. Tuy nhiên, cô không biết rằng cướp tài sản thực chất là trường hợp nạn nhân không khiếu nại và không khởi kiện, thủ phạm vẫn sẽ bị truy tố hoặc bị kết án.
Là cầu nối giữa người nghe và người khiếm thính, chúng tôi phải giảm bớt những nhận thức sai lệch của những người khiếm thính và loại bỏ những trở ngại “vô hình” mà họ gặp phải. Vì vậy, ngoài việc tiếp nhận các vụ việc, chúng tôi còn phát triển các nguồn dịch vụ ngôn ngữ ký hiệu. Chúng tôi bắt đầu từ Đài Bắc đến Đài Trung, và cũng đến Đào Viên, Tân Trúc và Hoa Liên. Trong nước không có nhiều người giảng dạy nên chúng tôi đã đi khắp Đài Loan để dạy ngôn ngữ ký hiệu và đào tạo giáo viên. Lịch trình hàng ngày của chúng tôi dày đặc công việc về ngôn ngữ ký hiệu đến mức gần như không còn ngày nghỉ. Nhưng quá trình này cũng rất viên mãn, nhìn vào các cơ quan công quyền sẵn sàng tiếp nhận ngôn ngữ ký hiệu, chẳng hạn như Viện Hành pháp và Viện Lập pháp, những nơi sau này có phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, đây là một “giấc mơ lớn” đối với chúng tôi trong quá khứ, chúng tôi thậm chí còn nghĩ rằng điều này có thể sẽ không xảy ra trong cuộc đời của mình.
Đặc biệt, buổi phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong cuộc họp báo về dịch bệnh Covid-19 thu hút sự chú ý của dư luận vào tháng 3/2020 là một bước đệm lớn. Vào thời điểm đó, sự thiếu hiểu biết về loại virus Corona mới đã gây ra nỗi sợ hãi bao trùm toàn bộ Đài Loan. Cuộc họp báo sớm nhất về dịch bệnh không có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu nên chúng tôi đã đi phản đối. Làm sao những người khiếm thính này lại không có phụ đề để xem và cũng không có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, tại sao chẳng có gì cả? Sau này, hầu hết các cuộc họp báo đều có phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, thậm chí cả những phiên họp do Bộ Quốc phòng tổ chức. Tôi nghĩ đây là một ví dụ điển hình, vì ở đâu có giao tiếp bằng ngôn ngữ thì ở đó cần có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu.
Sau khi trở thành phiên dịch viên, trong tủ quần áo của tôi không còn quần áo sáng màu nữa, tôi cũng không thể mặc quần áo màu sáng nữa. Vì quần áo là phong nền để chúng ta so sánh ngôn ngữ ký hiệu nên thông tin không thể gây nhầm lẫn cho những người bạn khiếm thính. So với bộ đồng phục kaki trường Kiến Quốc từng tạo hào quang cho tôi thời niên thiếu, bộ đồ tối màu trông thật đơn điệu. Nhưng tôi thấy điều quan trọng hơn cả “vầng hào quang” là khoảnh khắc đôi mắt của người khiếm thính hiện lên “Tôi hiểu rồi!” sau bản dịch của tôi. Đây là những khoảnh khắc mà tôi đã theo đuổi suốt 38 năm qua.
Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu vẫn dễ bị hiểu nhầm là nghề tình nguyện. Trên thực tế, đây là một nghề đòi hỏi thời gian dài học tập và trải nghiệm. Đặc biệt hiện nay thế giới đang ngày càng thay đổi nhanh chóng, thông tin được truyền tải ngày càng trừu tượng và sâu sắc, không thể loại trừ những người bạn khiếm thính như thế này. Có thể những ngày đầu nó như ngọn nến yếu ớt, nhưng bây giờ ngôn ngữ ký hiệu đối với tôi như ngọn đuốc soi sáng sự tự ti đã từng che khuất tầm mắt và dẫn dắt tôi tiến về phía trước. Ngọn đuốc này sẽ ngày càng lớn hơn, truyền ánh sáng này cho nhóm người phía sau tôi và để họ tiến về phía trước.
Phương Thảo