close
Rti Tiếng ViệtTải App RTI ngay
Mở
:::

Diễn đàn quốc tế "Văn hóa thiết thực" sẽ được diễn ra vào ngày 17/6, giới thiệu bối cảnh nghệ thuật đa dạng của các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông

  • 12 June, 2023
  • Lệ Phương
Diễn đàn quốc tế
Nghệ sĩ Myanmar Zun Ei Phyu sẽ tham gia Diễn đàn quốc tế "Văn hóa thiết thực" (Ảnh: Quỹ Giao lưu Đài Loan-châu Á)

Diễn đàn quốc tế "Văn hóa thiết thực" - điểm nhấn trong chuỗi hoạt động giao lưu tài năng nghệ thuật châu Á, sẽ được tổ chức long trọng tại Đài Bắc vào ngày 17/6. Khách mời là những người làm nghệ thuật xuất sắc đến từ Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Đài Loan, họ sẽ bắt đầu từ hành động thiết thực của chính mình, chia sẻ kinh nghiệm về nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật gắn kết cộng đồng, sáng tạo và giám tuyển liên lĩnh vực v.v.., khơi dậy suy nghĩ của khán giả về mối liên hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật và các vấn đề xã hội.

Trong thế giới thay đổi nhanh chóng của ngày nay, mối liên hệ giữa nghệ thuật và các vấn đề xã hội ngày càng trở nên không thể tách rời. Thông qua những sáng tạo và sự tham gia của mình, các nhà nghệ thuật khám phá việc chữa lành vết thương trong xã hội, hòa hợp xã hội, phát triển bền vững, tạo dựng và phát triển địa phương, phát triển cộng đồng người khuyết tật, chữa lành thể chất và tinh thần, công bằng đất đai và cộng đồng di cư v.v... Diễn đàn quốc tế này sẽ cung cấp một nền tảng cho các nhà nghệ thuật từ các nước Đông Nam Á chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn thấu suốt của họ.

Nghệ sĩ Luck đến từ Lào sẽ là một trong những điểm nhấn của diễn  đàn lần này, là một nhà sáng tạo nghệ thuật thị giác đa phương tiện xuất sắc, cô ấy điều hành một phòng tranh dân gian và tham gia công việc giám tuyển đã nhiều năm. Cô quan tâm đến các vấn đề của các nhóm khuyết tật và đã từng hợp tác với các nhóm khiếm thính để giới thiệu thiết kế nghệ thuật vào các doanh nghiệp gốm sứ. Những hành động thiết thực của cô thể hiện vai trò tích cực của nghệ thuật đối với xã hội, mang lại hy vọng và thay đổi cho những người kém may mắn.

Một nhà nghệ thuật đáng chú ý khác là Zun Ei Phyu đến từ Myanmar. Cô ấy cũng là một nhà trị liệu nghệ thuật và cũng là một bác sĩ nổi tiếng. Cô tập trung vào các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững, dân chủ và nhân quyền thông qua việc thúc đẩy liệu pháp nghệ thuật và chữa lành vết thương. Thông qua hành động thực hành của chính mình, cô chứng minh nghệ thuật có thể là một động lực cho sự thay đổi và tác động tích cực trong xã hội như thế nào.

Ngoài ra, Wayla Amatathamchad, nhà sản xuất nghệ thuật biểu diễn xuyên lĩnh vực và người phụ trách tổ chức lễ hội nghệ thuật đến từ Thái Lan, sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình về các mô hình hợp tác đã thúc đẩy sáng tạo địa phương và phát triển nghệ thuật bền vững ở những nơi có ít nguồn lực hơn trong thời gian gần đây. Hành động của anh ấy phản ánh tầm quan trọng của nghệ thuật trong cộng đồng địa phương, mang lại hy vọng và sức sống mới cho cư dân địa phương.

Nghệ sĩ trẻ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Mai, cũng đến từ Đông Nam Á, tập trung vào vấn đề những người dân có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế bị cưỡng chế di dời bởi các dự án phát triển đất đai của chính phủ. Cô thảo luận về cách các nghệ sĩ có thể can thiệp và ứng phó với các vấn đề phát triển đô thị, mang lại tiếng nói cho các nhóm yếu thế trong xã hội. Hành động thực tiễn của cô làm nổi bật tầm quan trọng của nghệ thuật đối với công bằng đất đai và thu hút sự chú ý đến công bằng và nhân quyền.

Nghệ sĩ Campuchia Soung Sopheak là người sáng lập và là giám đốc nhà hát Khmer Art Action. Nhóm của anh dùng nghệ thuật biểu diễn để khám phá cách xã hội Campuchia đang bị ảnh hưởng nặng nề trong thời hiện đại tìm thấy giá trị của chính mình thông qua nghệ thuật. Những hành động thiết thực của anh đã kêu gọi xã hội coi trọng văn hóa nghệ thuật, coi nghệ thuật là sức mạnh thay đổi xã hội.

Người chủ trì diễn đàn lần này là Chung Thích Phương, là nhà sản xuất, giám tuyển và là phó giáo sư của Viện Truyền thông, Đại học Quốc gia Chính Trị, đồng thời là giảng viên khách mời tại Khoa Nghệ thuật, Đại học Chulalongkorn Thái Lan, và là người sáng lập Phòng thu âm “Trees Music & Art”. Bà đóng vai trò tích cực trong việc kết nối các nhạc sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn và học giả Đông Nam Á, thông qua việc dẫn chương trình, bà sẽ tiếp thêm sức sống và chiều sâu cho diễn đàn.

Diễn đàn quốc tế “Văn hóa thiết thực” sẽ mang đến những nội dung thú vị cho những người tham gia, giúp công chúng hiểu sâu hơn về cách các nghệ sĩ đến từ Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Đài Loan đã tham gia các vấn đề xã hội thông qua nghệ thuật. Các vấn đề họ tập trung rất bao quát và sâu sắc, việc lắng nghe những chia sẻ tại chỗ của các nghệ sĩ này sẽ mang lại nhiều cảm hứng và suy nghĩ cho khán giả.

Dù bạn là người yêu nghệ thuật, học giả hay là người quan tâm xã hội, bạn cũng không nên bỏ lỡ diễn đàn rất được mong chờ này. Ban tổ chức chân thành mời bạn tham gia Diễn đàn quốc tế “Văn hóa thiết thực” để khám phá sức mạnh và giá trị của nghệ thuật trong xã hội.

    - Ngày tổ chức: 17/6/2023

    - Thời gian: 09:30-12:00

    - Địa điểm: Khuôn viên Nam Môn, Bảo tàng Quốc gia Đài Loan. (No. 1, Section 1, Nanchang Road, Zhongzheng District, Taipei City).

    - Đường link đăng ký: https://pse.is/4y7hun

Lệ Phương

Phản hồi liên quan

Tin tứcmore