close
Rti Tiếng ViệtTải App RTI ngay
Mở
:::

Khoảng 2 triệu người dân Đài Loan mắc bệnh trầm cảm nhưng số người đi chữa trị chưa đến 30%

  • 07 July, 2023
  • Phương Thảo
Khoảng 2 triệu người dân Đài Loan mắc bệnh trầm cảm nhưng số người đi chữa trị chưa đến 30%
Ảnh minh họa (Nguồn: Pixapay)

Thông tin nữ ca sĩ nổi tiếng CoCo Lee (Lý Văn) tự sát do bệnh trầm cảm đã khiến nhiều người hết sức kinh ngạc và cũng khiến cho người dân Đài Loan chú ý nhiều hơn đến những ảnh hưởng tiêu cực mà bệnh trầm cảm có thể gây ra. Vào ngày 6/7, bác sĩ tâm thần Dương Thông Tài cho biết rằng, Đài Loan có khoảng 2 triệu người mắc bệnh trầm cảm, nhưng số người đi chữa trị chưa đến 30%, chủ yếu là do thiếu kiến thức về bệnh trầm cảm, do ảnh hưởng bởi dư luận và văn hóa, dẫn đến người bệnh không biết mình có thật sự bị bệnh hay không. Bác sĩ Dương Thông Tài kêu gọi mọi người cần phải chú ý đến các triệu chứng của bản thân, nếu điều trị sớm thì 80% người bệnh trầm cảm đều có thể chữa trị.

Vào ngày 6/7, bác sĩ tâm thần Dương Thông Tài chỉ ra rằng, có 70% số người tự sát là do bệnh trầm cảm, những nhóm người này có nguy cơ muốn tự sát nhiều hơn người bình thường gấp 20 lần. Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, có 8,9% người dân Đài Loan (khoảng 2 triệu người) mắc bệnh trầm cảm, trong đó, những người mắc bệnh trầm cảm ở mức độ nặng chiếm 5,2% (khoảng 1,25 triệu người). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm như: áp lực công việc, áp lực gia đình, kỳ vọng xã hội, mối quan hệ giữa các cá nhân, các yếu tố tâm lý và sinh lý khác, bên cạnh đó, nhịp sống nhanh và môi trường cạnh tranh cao của xã hội Đài Loan cũng có thể tác động đến tỷ lệ trầm cảm.

Tuy tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao nhưng có rất nhiều người không biết mình bị mắc bệnh, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nhận thức về bệnh trầm cảm cùng với các quan niệm xã hội và ảnh hưởng văn hóa cũng như có những hiểu lầm và định kiến ​​về các vấn đề sức khỏe tâm thần, khiến cho bệnh trầm cảm bị coi là một điểm yếu và là biểu hiện của sự thiếu sức mạnh ý chí. Bác sĩ Dương Thông Tài cho biết rằng nhiều người không muốn đi khám khoa tâm thần vì nghĩ rằng “tôi không có bị điên, cũng không có bệnh tâm thần vậy tại sao tôi phải đi xem khoa tâm thần”. Thêm vào đó, nhiều người không có đủ kiến thức về bệnh trầm cảm, khi cảm thấy tâm trạng không tốt, mất hứng thú với tất cả mọi việc, giảm sức sống, mọi người sẽ cho rằng có thể do bị trúng nắng hoặc chỉ là do gần đây bị thiếu năng lượng thôi, nhưng bạn có thể không chú ý rằng mình cũng gặp các vấn đề về rối loạn giấc ngủ, chán ăn, sụt cân, suy nghĩ tiêu cực.

Bác sĩ Dương Thông Tài chỉ ra rằng, trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần có thể gây ra một loạt các triệu chứng như tâm trạng không tốt, mất hứng thú hoặc niềm vui, thiếu năng lượng, thiếu tập trung, đánh giá thấp bản thân, khó ngủ và các triệu chứng khác. Nếu các triệu chứng này kéo dài trên 2 tuần thì khả năng cao bạn đã bị trầm cảm nặng, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt và tiến hành điều trị ít nhất từ ​​3 đến 6 tháng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 80% trường hợp bệnh nhân trầm cảm có thể được chữa khỏi.

Bác sĩ Dương Thông Tài chỉ ra rằng, mọi người có thể quan sát từ nhiều phương diện để xem bản thân hoặc người thân và bạn bè của của mình có bị trầm cảm hay không. Về mặt thể chất sẽ có các triệu chứng như suy nhược cơ thể, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, v.v.. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như tâm trạng ủ rũ, không vui, thường hay khóc, mất động lực đối với những sở thích ban đầu, suy nghĩ trở nên tiêu cực, cảm thấy mình vô giá trị, cảm thấy bản thân mình không thể cứu nữa rồi, cảm thấy người khác không thích mình, thậm chí xuất hiện một số cảm giác hư vô và bị hại, nghiêm trọng hơn còn có suy nghĩ không muốn sống, có kế hoạch hoặc hành vi tự sát. Bác sĩ cũng nhấn mạnh, nhiều bệnh nhân trầm cảm nhẹ vẫn có thể giao tiếp xã hội bình thường nên không dễ phát hiện, nếu nghi ngờ người thân, bạn bè có biểu hiện bất thường thì cần cảnh giác, hỗ trợ điều trị y tế, tìm kiếm chuyên gia để chẩn đoán và điều trị.

Phương Thảo

Phản hồi liên quan

Tin tứcmore