close
Rti Tiếng ViệtTải App RTI ngay
Mở
:::

8 điều cần lưu ý khi gia đình muốn giúp người nghiện ma túy cai nghiện

  • 16 August, 2023
  • Đức Mạnh
8 điều cần lưu ý khi gia đình muốn giúp người nghiện ma túy cai nghiện
Nhiều người nghĩ rằng ma túy có thể kiểm soát được, dẫn đến nảy sinh tâm lý phớt lờ những tác hại kinh hoàng của ma túy, rồi cứ thế từng bước lún sâu vào con đường nghiện ngập. (Ảnh minh họa: Health News)

Gần đây, một số phương tiện truyền thông có đăng tải tin tức với nội dung “báo động tình trạng sử dụng cần sa trong trường học” đã khiến cho dư luận giật mình trước câu nói của một nữ sinh viên đại học hơn tuổi 20, cô gái cho biết, khoảng một nửa số sinh viên trong khoa đều đang hút cần sa. Hành vi nghiện ngập của thanh thiếu niên trong xã hội hiện nay đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, hơn nữa còn có xu hướng gia tăng qua từng năm, sự phát triển của khoa học công nghệ, giao thông, thông tin, cộng thêm sự thiếu hiểu biết về các chất gây nghiện khiến cho thanh thiếu niên bất cứ lúc nào cũng có thể sa ngã vào con đường nghiện ngập.

Do tò mò mà dính vào ma túy

Bà Khổng Tịnh Kỳ - Y tá Khoa Điều trị cai nghiện của Viện điều dưỡng Caotun thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan cho biết, phần lớn người nghiện tiếp xúc với ma túy đều là vì lý do tò mò và bị ảnh hưởng từ bạn bè đồng trang lứa. Do sự thiếu hiểu biết, họ nghĩ rằng ma túy có thể kiểm soát được, dẫn đến nảy sinh tâm lý muốn sử dụng thì sử dụng lúc nào cũng được và khi muốn bỏ thì bỏ lúc nào cũng được, từ đó làm cho người nghiện phớt lờ những tác hại kinh hoàng của ma túy, rồi cứ thế từng bước lún sâu vào con đường nghiện ngập.

4 dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy

Về cơ bản thì ma túy là một chất gây tê liệt thần kinh trung ương, sau khi sử dụng sẽ gây ra tổn thương nhất định cho thùy trước trán của đại não, lạm dụng ma túy sẽ làm thay đổi suy nghĩ, cảm xúc, khả năng tư duy và phán đoán của con người, đồng thời xuất hiện những hành vi đặc trưng sau:

1. Tâm trạng vui buồn thất thường, khả năng kiểm soát cảm xúc kém, giận hờn vu vơ, nhiều suy nghĩ tiêu cực

2. Tự kỷ, thích ở một mình, thờ ơ trước sự quan tâm của người khác

3. Cảm thấy chán trường, suy sụp. (Vì sự mâu thuẫn trong tâm lý vừa muốn sử dụng ma túy lại vừa muốn cai thuốc)

4. Nhu cầu tiêu xài nhiều, không thể chuyên tâm làm việc, bắt đầu xuất hiện hành vi nói dối và trộm cắp, sau cùng, người nghiện sẽ vì:

- Cảm giác khó chịu khi cai nghiện (cáu kỉnh, bồn chồn, nóng lạnh thất thường, đau nhức xương, mất ngủ) và các triệu chứng sức khỏe khác mà bản thân không thể khắc phục được nên vẫn phải tiếp tục sử dụng ma túy.

- Sử dụng ma túy trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến nhân cách và tư tưởng, cuộc sống suy sụp và mất khả năng tự cân bằng, thêm vào đó là tâm lý thèm muốn sử dụng ma túy dẫn đến không thể cai nghiện được.

8 điều gia đình cần ghi nhớ khi giúp người nghiện cai thuốc

Y tá Khổng Tịnh Kỳ cho biết, dựa vào những đặc điểm trên, người thân trong gia đình cần hiểu rõ bản chất của việc nghiện ma túy, nên coi người nghiện ma túy là bệnh nhân mắc các bệnh “mãn tính”, “hay tái phát” về não bộ, đồng thời khích lệ việc cai nghiện nhiều hơn nữa, luôn kịp thời giúp đỡ, động viên người nghiện. Tuy nhiên, khi giúp đỡ những người nghiện thì cũng cần phải chú ý các vấn đề sau:

1. Nghiện ma túy là một hành vi rất phức tạp, không thể chỉ giải quyết bằng sức mạnh của tình cảm gia đình, cần có những hành động lý trí hơn nữa để cùng nhau giúp đỡ những người nghiện ma túy, bao gồm cả việc tìm kiếm sự tư vấn và điều trị y tế một cách chuyên nghiệp.

2. Các thành viên trong gia đình và người nghiện cần phải nghiêm túc đối mặt với vấn đề, không nên bao biện hoặc che giấu quá mức đối với việc lạm dụng ma túy. Nếu người nhà gánh chịu hết trách nhiệm thì sẽ tước đi cơ hội để người nghiện phải chịu trách nhiệm trước mọi hành vi của họ, nên để người nghiện hiểu rằng, cai nghiện ma túy là trách nhiệm của chính bản thân họ.

3. Khuyến khích người sử dụng ma túy tìm kiếm sự giúp đỡ, chấp nhận rằng bản thân họ đang gặp khó khăn và cần được giúp đỡ, để những gia đình có người nghiện ma túy có thể tiếp cận được với sự hỗ trợ từ xã hội.

4. “Tình thương” của người nhà dành cho người nghiện nên ở mức vừa phải, và người thân cũng phải học cách chăm sóc sao cho phù hợp để người nghiện không bị ỷ lại.

5. Khi giao tiếp với người nghiện ma túy, nên sử dụng các phương thức giao tiếp hợp lý và đóng góp mang tính xây dựng, tránh trách móc lẫn nhau hoặc sử dụng những câu nói phủ nhận và lý do hợp lý hóa mọi việc để gây áp lực cho người nghiện.

6. Các thành viên trong gia đình cũng nên học cách không biến vấn đề của người nghiện ma túy thành vấn đề của chính họ, cũng không nên để vấn đề sử dụng ma túy ảnh hưởng đến việc giải quyết các vấn đề trong gia đình, nếu không sẽ khiến người nghiện ma túy như phải gánh chịu hết mọi tội lỗi. Cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và tìm ra hướng giải quyết, nếu không sau khi người nghiện cai nghiện thành công, thì có thể vẫn không thoát khỏi sự căng thẳng trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, và mọi thứ sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn của sự tiêu cực.

7. Tránh thái độ nghiêm khắc, bao bọc quá mức, kỷ luật không thống nhất đối với người nghiện ma túy, đây đều là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến lạm dụng ma túy.

8. Các thành viên trong gia đình cũng phải tự chăm sóc tốt cho bản thân, đừng đặt hết trọng tâm cuộc sống lên người nghiện ma túy, cũng đừng hy sinh quá mức và khiến bản thân cảm thấy trống trải, con đường cai nghiện ma túy còn rất dài, nên các thành viên trong gia đình có người nghiện ma túy nên chú ý đến việc giải tỏa áp lực.

※Quý trọng sinh mạng, kiên quyết từ chối sử dụng ma túy!※

Đức Mạnh

 

Phản hồi liên quan

Tin tứcmore