close
Rti Tiếng ViệtTải App RTI ngay
Mở
:::

Lúc nào cũng rửa tay vì nghĩ rằng tay không sạch, cẩn thận mắc “2 loại bệnh” này

  • 05 September, 2023
  • Phương Thảo
Lúc nào cũng rửa tay vì nghĩ rằng tay không sạch, cẩn thận mắc “2 loại bệnh” này
Triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường xuất hiện lần đầu tiên ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, lặp đi lặp lại một hành động nhiều lần (Ảnh: Health News))

Trước tình hình của đại dịch COVID-19, các giáo viên trong trường và phụ huynh thường nhắc nhở các em về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, mỗi khi Tiểu Vy đi chơi về, cô bé cẩn thận rửa tay, khử trùng và thay quần áo khi về đến nhà. Sau khi tình hình dịch bệnh đã dần thuyên giảm, Tiểu Vy vẫn quan tâm đến sự sạch sẽ của bản thân và dành một hoặc hai giờ để rửa tay mỗi khi về nhà. Gần đây gia đình Tiểu Vy muốn đi chợ đêm nhưng Tiểu Vy phản đối và xảy ra cãi vã, sau lần tranh cãi đó, thấy Tiểu Vy suốt ngày lo dọn dẹp, rửa tay, đến mức tróc cả da tay, vì vậy gia đình và Tiểu Vy quyết định đến khoa tâm thần để được tư vấn.

Bất luận vệ sinh như thế nào vẫn thấy không sạch, cẩn thận với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Bác sĩ Vương Ngạn Khâm thuộc Khoa Tâm thần, Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan Chi nhánh Tân Trúc, đã hỏi về suy nghĩ của Tiểu Vy và phát hiện ra rằng bản thân Tiểu Vy cũng nhận thấy rằng dù có sạch sẽ đến đâu, nhưng trong suy nghĩ của cô dường như luôn có cảm giác vẫn còn bẩn, nên không còn cách nào khác là phải rửa đi rửa lại nhiều lần, thực sự cũng rất khó chịu khi phải làm như vậy và vẫn không thể ngăn được những lo lắng này.

Ngoài việc lo lắng trên tay có vi khuẩn gây bệnh, Tiểu Vy còn lo lắng khi hoạt động bên ngoài nếu không may chạm phải những đồ vật không sạch sẽ, vì vậy cả ngày đều lo sợ, đến mức không còn tâm trí để học. Bác sĩ giải thích với người nhà rằng đây chính là triệu chứng của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường xuất hiện lần đầu tiên ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, lặp đi lặp lại một hành động nhiều lần

Bác sĩ Vương Ngạn Khâm giải thích rằng, nhiều rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn lo âu lần đầu tiên thường xảy ra ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, triệu chứng của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế bao gồm những suy nghĩ và hành động dai dẳng, tái diễn gây rắc rối cho người bệnh, và khi cố gắng phớt lờ hoặc kìm nén những suy nghĩ ám ảnh này thì sẽ xuất hiện tình trạng lặp đi lặp lại một hành động. Suy nghĩ ám ảnh không nhất thiết là về sự sạch sẽ, ví dụ, một số trường hợp sẽ liên tục kiểm tra cửa ra vào, cửa sổ, ga, các thiết bị điện, v.v., trong khi những trường hợp khác sẽ cảm thấy rất lo lắng khi vứt bỏ đồ đạc. Đây có thể là những biểu hiện khác nhau của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Thông qua bác sĩ và chuyên gia đánh giá tìm ra nguyên nhân gây lo lắng

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn lo âu đều là bệnh tâm thần có thể điều trị. Bác sĩ Vương Ngạn Khâm giải thích rằng, tương tự như cách điều trị cho người lớn, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên đều có thể được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm để điều chỉnh sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Liệu pháp hành vi nhận thức hoặc các phương pháp điều trị tâm lý khác cũng có thể được bổ sung. Trong cuộc trò chuyện, các nhà trị liệu chuyên nghiệp sẽ phân loại các nguyên nhân gây lo lắng, chuyển hóa lối suy nghĩ cứng nhắc, tăng tính linh hoạt trong nhận thức và từ từ thiết lập các kiểu phản ứng hành vi không ảnh hưởng đến cuộc sống.

Những thay đổi này không hề dễ dàng, những suy nghĩ và hành vi mới có thể gây lo lắng, lúc này có thể tích cực thực hành các biện pháp thư giãn phù hợp và sự hỗ trợ của những người quan trọng xung quanh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị.

Phương Thảo

 

Phản hồi liên quan

Tin tứcmore