close
Rti Tiếng ViệtTải App RTI ngay
Mở
:::

Đài Loan chính thức trở thành quốc gia không có bệnh đậu ở dê cừu, Bộ Nông nghiệp: nâng cao năng lực sản xuất, tiếp thị xuất khẩu sản phẩm thịt dê cừu

  • 22 December, 2023
  • Tường Vy
Đài Loan chính thức trở thành quốc gia không có bệnh đậu ở dê cừu, Bộ Nông nghiệp: nâng cao năng lực sản xuất, tiếp thị xuất khẩu sản phẩm thịt dê cừu
Đài Loan chính thức trở thành quốc gia không có bệnh đậu ở dê cừu, Bộ Nông nghiệp: nâng cao năng lực sản xuất, tiếp thị xuất khẩu sản phẩm thịt dê cừu

Ngày 19/12, Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) đăng tải tuyên bố trên trang web của tổ chức, công nhận Đài Loan là quốc gia không còn bệnh đậu ở dê cừu, như vậy sau 15 năm Đài Loan chính thức tuyên bố đã loại trừ thành công hoàn toàn bệnh đậu ở loài dê cừu. Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, ông Trần Tuấn Quý ngày 21/12 cho biết, trong tương lai Bộ Nông nghiệp sẽ tích cực đầu tư vào khâu sản xuất và kênh tiêu thụ hạ nguồn của ngành chăn nuôi dê, hỗ trợ phục hồi ngành nuôi dê nội địa, bước tiếp theo là chuẩn bị cho mục tiêu xuất khẩu ra quốc tế.

Bệnh đậu ở dê cừu là bệnh truyền nhiễm động vật loại A ở Đài Loan, cũng là một bệnh đáng chú ý trong danh sách Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), lây lan do dê cừu tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nguồn ô nhiễm, dê bị nhiễm bệnh sẽ nổi mụn trên da trên đầu và trên cơ thể, tỷ lệ dê con chết vì bệnh đậu có thể lên tới 80%, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế.

Bệnh đậu ở dê cừu xảy ra tại Đài Loan trong khoảng từ năm 2008 đến năm 2010. Năm 2010 có đến 583 trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện từ ngày 9 tháng 4 đến ngày 31 tháng 12, khi đó 23.740 con dê đã bị tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi dê cừu địa phương. Bắt đầu từ ngày 22/6/2010, công tác tiêm phòng toàn diện bệnh đậu dê cừu được đẩy mạnh, sau đó dịch bệnh được kiểm soát rất hiệu quả.

Kể từ khi trường hợp nhiễm bệnh đậu dê cừu cuối cùng được phát hiện tại một lò mổ vào năm 2012, từ đó về sau không có trường hợp mắc bệnh đậu dê cừu nào được xác nhận trong hơn 10 năm. Sở Kiểm soát Phòng chống dịch bệnh thuộc Bộ Nông nghiệp vào ngày 15/9 năm nay đã chủ động gửi thư trình bày đến cơ quan WOAH rằng, Đài Loan là khu vực không có bệnh đậu dê cừu. Đến ngày 19/12 vừa qua Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) công nhận và đăng tuyên bố trên trang web của tổ chức, điều này đã đánh dấu thêm một cột mốc quan trọng khác trong lịch sử phòng chống dịch bệnh ở động vật của Đài Loan.

Ngày 21/12 Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ông Trần Tuấn Quý cho biết, trước đây do bị gián đoạn bởi dịch đậu dê cừu nên ngành chăn nuôi và sản xuất dê cừu của Đài Loan chậm hơn so với các ngành khác, hiện nay Đài Loan đã tiến tới là khu vực không có dịch bệnh đậu dê cừu, Bộ Nông nghiệp sẽ tích cực đầu tư sản xuất và kênh tiếp thị của ngành chăn nuôi dê cừu, hỗ trợ phục hồi ngành chăn nuôi dê cừu nội địa, để tiến đến mục tiêu xuất khẩu ra quốc tế.

Ông Trần Tuấn Quý nói: "Khi ngành chăn nuôi dê cừu của chúng ta có thể dần đứng vững nhờ các biện pháp hỗ trợ trong ngành, điều đó sẽ tạo cơ hội xuất khẩu các chế phẩm và thịt dê cừu tươi. Tức là khi nói đến bất kỳ sản phẩm xuất khẩu của chúng ta, không nhất thiết phải đáp ứng 100% nhu cầu trong nước rồi mới được xuất khẩu, nếu bạn có thể xuất khẩu những sản phẩm thịt dê cừu chất lượng cao, thì bạn cũng có thể xuất khẩu với lượng vừa phải, đơn giá xuất khẩu nếu tương đối cao thì lợi ích đối với người nông dân cũng sẽ cao hơn."

Ông Trần Tuấn Quý chỉ ra rằng, ngành chăn nuôi dê cừu không mấy phổ biến trong nền nông nghiệp Đài Loan, hiện chia thành hai mảng kinh doanh sữa dê và thịt dê. Sữa dê sản xuất từ dê nội địa là 100% tự cung cấp, nhưng nhu cầu thịt dê vẫn cao hơn so với lượng cung ứng, vì vậy đa số vẫn dựa vào nhập khẩu để bù đắp.

Tường Vy

Phản hồi liên quan

Tin tứcmore