close
Rti Tiếng ViệtTải App RTI ngay
Mở
:::

Đài Loan liên tiếp 14 tuần không có ca lây nhiễm đậu mùa khỉ trong nước

  • 22 February, 2024
  • Đức Mạnh
Đài Loan liên tiếp 14 tuần không có ca lây nhiễm đậu mùa khỉ trong nước
Đối tượng tiêm chủng vắc-xin phòng đậu mùa khỉ và hạng mục cần chú ý. (Ảnh: Sở Quản lý và Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan)

Vào ngày 20/2 vừa qua, ông La Nhất Quân - Phát ngôn viên của của Sở Quản lý và Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan cho biết, kể từ ngày 23/6/2023, Đài Loan đã xếp bệnh đậu khỉ vào danh sách các loại bệnh truyền nhiễm phải khai báo loại hai, ca đậu mùa khỉ lây nhiễm trong nước cuối cùng xuất hiện vào ngày 13/11/2023. Kể từ đó đến nay, đã 14 tuần liên tiếp, Đài Loan không có ca đậu mùa khỉ mới lây nhiễm trong nước, đáp ứng các điều kiện loại trừ dịch bệnh do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra.

Ông La Nhất Quân cho biết, tính đến ngày 19/2 năm nay, Đài Loan có tổng cộng 360 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó có 340 ca lây nhiễm trong nước và 20 ca lây nhiễm từ nước ngoài. Mặc dù đã 14 tuần liên tiếp, Đài Loan không có ca đậu mùa khỉ mới lây nhiễm trong nước, nhưng gần đây vẫn có một ca lây nhiễm từ nước ngoài. Đó là một nam thanh niên hơn 20 tuổi, người Đài Loan, chưa được tiêm phòng vắc-xin phòng đậu mùa khỉ, cuối tháng 1 nhập cảnh vào Đài Loan từ Trung Quốc, đầu tháng 2 xuất hiện tình trạng bị lở loét và phồng rộp trên cơ thể, sau khi đi khám thì được chẩn đoán là mắc đậu mùa khỉ. Đây là ca đậu mùa khỉ lây nhiễm từ nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Đài Loan, cho thấy nguy cơ dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Đài Loan vẫn tồn tại, đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á, dịch đậu mùa khỉ đã gia tăng đáng kể vào nửa cuối năm ngoái và đến tháng 12 thì mới bắt đầu chậm lại. Còn tại châu Âu thì dịch đậu mùa khỉ bắt đầu gia tăng từ tháng 10 năm ngoái và kéo dài cho đến hiện tại. Dịch đậu mùa khỉ cũng vẫn đang tiếp tục hoành hành ở khu vực châu Mỹ. Chính vì thế người dân và đội ngũ y tế vẫn phải hết sức thận trọng.

Ông La Nhất Quân cũng cho biết, kể từ khi ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong nước đầu tiên được xác nhận vào ngày 26/2/2023, dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái. Thông qua sự hợp tác giữa trung ương và địa phương để tích cực thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát, bao gồm: xây dựng mạng lưới thông báo và xét nghiệm, thúc đẩy kế hoạch tiêm phòng, cung cấp dịch vụ tiêm chủng, tiến hành quản lý ca bệnh và cung cấp thuốc kháng vi-rút kịp thời, tiến hành tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân và phổ biến thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, v.v., cùng với sự tự giác của mỗi cá nhân và ý thức bảo vệ cộng đồng, chiến lược phòng chống dịch đậu mùa khỉ đã phát huy tác dụng và bước đầu đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nước.

Ông La Nhất Quân chỉ ra rằng, khi mà dịch đậu mùa khỉ vẫn đang tiếp tục hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới, những người đủ điều kiện tiêm chủng vẫn nên hoàn thành việc tiêm phòng vắc-xin đậu mùa khỉ càng sớm càng tốt, đặc biệt là 14 ngày sau khi tiêm mũi vắc-xin đầu tiên, khả năng bảo vệ khỏi căn bệnh này là chỉ khoảng 40% đến 80%, chỉ sau khi hoàn thành mũi vắc-xin thứ hai, khả năng bảo vệ mới có thể lên đến 90%. Tính đến ngày 18/2, Đài Loan có 74.826 người đã được tiêm vắc-xin phòng đậu mùa khỉ, trong đó có 47.612 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, chiếm 63,6%, còn 27.214 người mới tiêm xong mũi vắc-xin đầu tiên, chiếm 36,4%. Sở Quản lý và Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan kêu gọi người dân nhanh chóng hoàn thành mũi vắc-xin thứ hai càng sớm càng tốt.

Đức Mạnh

Phản hồi liên quan

Tin tứcmore